Top 5 nền tảng Metaverse dành cho kĩ sư công nghệ
Metaverse có phải là một bước tiến lớn hay chỉ là giấc mơ xa vời của công nghệ? Dẫu vẫn còn nhiều hoài nghi nhưng các kĩ sư công nghệ có thể tìm hiểu và lựa chọn nền tảng phù hợp để tham gia vào làn sóng này.
Metaverse không phải một thuật ngữ mới. Nó ra đời lần đầu vào năm 1992 trong một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, là từ ghép của "meta" và "universe", và hiện tại từ khóa "thế giới ảo" đã trở thành buzzword (từ thông dụng) được chú ý nhất trong năm 2022.
Từ những năm 2000, đã có rất nhiều hãng công nghệ theo đuổi concept này, nền tảng phổ biến nhất có thể kể đến là Second Life, hay rất nhiều game thủ vẫn sẽ luôn nhớ tới The Sims. Trò chơi này có từ trước khi các công nghệ như AR/VR có nhiều bước tiến về mặt thiết bị phần cứng.
Trò chơi The Sims từng gây nức lòng các thế hệ 8x, 9x
Ở hiện tại, khi nhắc về metaverse, phần lớn các kĩ sư sẽ nghĩ ngay đến việc phát triển các trải nghiệm, tương tác ảo thông qua các mô hình 3D chạy trên các phần cứng như Oculus, HTC Vive; các nền tảng như Roblox, Fornite; các ứng dụng game chạy Playstation, Xbox và có thể là trên nền tảng di động hay thậm chí là trình duyệt. Xuyên suốt lịch sử phát triển, vẫn chưa có một nền tảng nào chiến thắng cuộc đua để giành vị trí thống lĩnh. Các nhà phát triển có nhiều sự lựa chọn như Epic Unreal Engine, Unity, Amazon Sumerian, Autodesk's Maya và open source Blender.
Trong năm 2021, đại dịch Covid-19 một lần nữa thách thức chúng ta về các bài toán kết nối với nhu cầu làm việc từ xa, các chuyến bay bị hủy và nhiều quốc gia duy trì các hạn chế để phòng dịch. Facebook cũng đổi tên thành Meta, là sự kiện để nhấn mạnh Metaverse một lần nữa được kì vọng là công nghệ chủ đạo cùng với Web 3.0 sẽ thay đổi thế giới.
Cùng tìm hiểu các platform đang dẫn đầu cuộc đua để xem các kĩ sư công nghệ có thể tham gia vào làn sóng này như thế nào nhé!
Microsoft: Metaverse dành cho doanh nghiệp
Trong năm 2021, ở cả hai sự kiện lớn của mình là Build và Ignite, Microsoft đã định hình rõ Metaverse mà hãng theo đuổi là hướng đến thế giới ảo tương tác của doanh nghiệp. Mọi hoạt động từ các cuộc họp, phỏng vấn, thuyết trình, hội nghị thường niên đến các hoạt động kinh doanh hằng ngày trở nên liền mạch và đồng thời giữa thực tế và thế giới ảo. Đây là một định hướng khác biệt nếu so với các nền tảng khác tập trung vào game và thương mại điện tử.
Microsoft Metaverse's stack
Đặc biệt, từ Metaverse stack của Microsoft, các kĩ sư công nghệ có thể có cái nhìn rõ hơn về các thành phần kiến trúc chính trong Metaverse platform. Đó là:
- 3D experience layer: các vật thể ảo trên nền tảng Hololens và tương tác thông qua Microsoft Mesh
- Digital Twin of everything: mô hình thế giới thực theo thời gian thực
- Datafication of everything: nền tảng xử lý dữ liệu và các quy trình tự động hóa, trí tuệ nhân tạo để làm cho thế giới ảo chân thật
Định nghĩa của Microsoft bao phủ khá lớn nên sẽ dễ dàng cho các nhà phát triển tiếp cận tùy vào năng lực công nghệ. Bạn có thể bắt đầu với hướng dẫn tại đây.
NVIDIA: Omniverse 3D Simulation sử dụng Physics ML
Khởi động từ tháng 3/2019, dự án Omniverse của NVIDIA tiếp tục gây chú ý sau Global Tech Conference. Cùng sử dụng triết lý Digital Twin of Everything như Microsoft, NVIDIA bổ sung thế mạnh về phần cứng GPU của mình khi sử dụng Physic ML để tạo ra tính chân thật của các đối tượng ảo. Omniverse được phát triển dựa trên mã nguồn mở Universal Scene Description (USD) của Pixar, cho phép dễ dàng xây dựng các vật thể và thế giới ảo.
Omniverse của NVIDIA dựa trên Universal Scene Description của Pixar
Hiện tại NVIDIA đã cho phép các nhà phát triển lập trình các phần mở rộng cũng như tích hợp microservices bên cạnh việc phát triển 3D object trên nền tảng USD.
Tham khảo thêm chi tiết hướng dẫn developer kit tại đây.
Mozilla Hub: 3D Collab Space qua trình duyệt
Đây là một trong những nền tảng mã nguồn mở cho phép dễ dàng chỉnh sửa và tích hợp, tập trung vào việc xây dựng các không gian ảo và cho phép người tham gia tổ chức các sự kiện, hội thảo trực tuyến một cách dễ dàng qua trình duyệt.
Mozilla Hub sử dụng các công nghệ như React (2D object), Three.js, A-Frame (3D object) và thư viện vật lý Ammo.js/WASM ở client.
Mozilla Hub: Spoke Studio
Mozilla cũng cung cấp Spoke, là một editor đơn giản cho Hub để giúp các nhà sáng tạo nội dung dễ dàng tạo ra các không gian và vật thể ảo. Bên cạnh đó, backend sử dụng Reticulum (mesh network for nodes video traffic), Dialog (based on WebRTC mediasoup) và Habitat (packaging and orchestration) cho phép dễ dàng triển khai trên các nền tảng điện toán đám mây như AWS, DigitalOcean.
Nhà phát triển có thể dựa trên bộ mã nguồn đang được cung cấp miễn phí để tạo ra các sự kiện riêng cho thương hiệu của mình, tham khảo chi tiết tại đây.
Roblox: Thế giới game Metaverse
Là một trong những công ty cung cấp nền tảng sáng tạo nổi tiếng trên thế giới, hẳn bạn đã từng chơi một tựa game nào đó, gần đây nhất là Squid Game trên nền tảng Roblox. Tính từ năm 2018 đến nay, nền tảng Roblox có 9.5 triệu lập trình viên, 24 triệu lượt trải nghiệm, 73.1 tỷ giờ chơi và đem lại doanh thu 761.3 triệu đô cho các nhà phát triển.
Bằng việc sử dụng Roblox Studio, nhà phát triển dễ dàng tạo ra các vật thể ảo và các hiệu ứng trong thế giới Roblox. Đặc biệt, phần scripting dựa trên ngôn ngữ Lua nên khá thân thiện và dễ tiếp cận với các nhà phát triển kịch bản game. Hiện tại các nhà phát triển có thể dễ dàng đăng kí account.
Tìm hiểu thêm tại đây.
Open Metaverse OS: Cảm hứng từ công nghệ mã hóa
Trong bộ phim nổi tiếng Ready Player One, tổ chức IOI cố gắng độc quyền kiểm soát hệ thống máy chủ và dữ liệu OASIS, từ đó nắm trong tay quyền bá chủ thế giới ảo. Hiển nhiên, việc cạnh tranh giữa các Metaverse cũng như nhu cầu của một nền tảng mở, Decentralize vẫn là một bài toán hấp dẫn. Vì vậy MetaFi hiện cũng đang được chú ý không khác gì DeFi.
Kiến trúc của Metaverse OS tận dụng nhiều thành tựu của công nghệ mã hóa khá quen thuộc với những nhà phát triển am hiểu blockchain. Như vậy, câu chuyện của bộ phim Ready Player One sẽ không bao giờ xảy ra ở thời điểm Web 3.0 hoàn toàn thay thế Web 2.0. Với Metaverse OS, NFT đóng một vai trò quan trọng để bảo vệ quyền sở hữu các tài sản số trong thế giới ảo.
Open Metaverse OS's Architecture
Tuy vẫn còn khá sớm nhưng hiện tại paper gốc của Open Metaverse OS vẫn rất đáng xem cho các nhà phát triển để định hình về tương lai khi các vũ trụ ảo giao nhau và thế giới ảo tồn tại độc lập với thế giới thật.
Lời kết
Hiện tại, vẫn còn những hãng công nghệ tỏ ra khá thận trọng và hoài nghi Metaverse dù chính họ đã sớm có những dự án thử nghiệm rất lớn với các công nghệ AR/VR/MR.
Google với dự án Google Glass đầy hứa hẹn vẫn đang chưa cho thấy tín hiệu trở lại. Apple vẫn chưa có kế hoạch chi tiết cho phần cứng mới cũng như công khai theo đuổi Metaverse. Hiện tại các nhà phát triển vẫn đang kì vọng vào Meta (Facebook) sẽ đóng góp đột phá mới cho vũ trụ ảo bên cạnh Oculus SDK cho các thiết bị phần cứng của hãng.
Như vậy, các nhà phát triển có thể lựa chọn platform có triết lý phù hợp với mối quan tâm và định hướng của mình. Hy vọng năm 2022 sẽ là một năm bùng nổ của công nghệ Metaverse.