Ghibli vs OpenAI: Khi AI xóa nhòa ranh giới sáng tạo và sao chép

Khi AI bắt tay với nghệ thuật, những bức ảnh mang phong cách Ghibli được tạo ra chỉ bằng một cú nhấp chuột đã khiến cả cộng đồng chao đảo. Bên cạnh những lời khen chê, liệu có cuộc chiến pháp lý nào đang âm thầm dậy sóng?

Như một cơn “động đất” vừa đi qua, xu hướng tạo ra những bức ảnh theo phong cách của Studio Ghibli bằng công cụ AI của OpenAI đã gây hứng thú cho hàng triệu người trên thế giới. Tuy nhiên, đằng sau sự bùng nổ sáng tạo này là một loạt vấn đề pháp lý chưa có lời giải. Liệu đây có phải là sự tôn vinh nghệ thuật, hay là một dạng xâm phạm bản quyền tinh vi?

Quy định pháp luật về bản quyền

Trước khi mổ xẻ câu chuyện, chúng ta hãy cùng điểm qua vài quy định pháp luật liên quan tới vấn đề bản quyền cũng như những quy định mở cho việc sử dụng các tác phẩm có bản quyền.

Quyền tác giả được quy định trong nhiều hệ thống pháp luật là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Ngược lại thuật ngữ Bản quyền (Copyright) lại chưa được quy định cụ thể nhưng có thể hiểu là quyền hợp pháp được cấp cho tác giả hoặc chủ sở hữu đối với một tác phẩm sáng tạo gốc. Quyền này bảo vệ các loại hình tác phẩm như văn học, âm nhạc, hội họa, phim ảnh, phần mềm máy tính và các tác phẩm nghệ thuật khác.

Fair use (tạm dịch là sử dụng hợp lý) là một học thuyết trong luật pháp Hoa Kỳ cũng như các quốc gia theo hệ thống Dân luật (Civil law), cho phép sử dụng hạn chế tài liệu có bản quyền mà không cần phải xin phép chủ sở hữu bản quyền trước.

Tại một số quốc gia theo hệ thống Thông luật (Common law), họ lại sử dụng thuật ngữ Fair dealing (tạm dịch là đối xử công bằng) để mô tả những hạn chế đối với bản quyền nhằm cân bằng lợi ích của chủ sở hữu bản quyền với lợi ích công cộng trong việc phân phối và sử dụng rộng rãi hơn các tác phẩm sáng tạo.

Upload image

Cân bằng giữa bảo hộ sáng tạo và sử dụng hợp lý

Tại các quốc gia Hoa Kỳ, PhilippinesSingapore, để được công nhận là sử dụng hợp lý phải được đánh giá qua 4 yếu tố:

  1. Mục đích và tính chất của việc sử dụng: Phục vụ học tập, nghiên cứu, thông tin, báo chí, bình luận hoặc tạo ra nội dung mới.
  2. Tính chất của tác phẩm gốc: Chủ yếu áp dụng cho các tác phẩm phi thương mại như tác phẩm công khai, thông tin công cộng,...
  3. Số lượng sử dụng: Áp dụng khi sử dụng một phần nhỏ của tác phẩm gốc.
  4. Ảnh hưởng đến giá trị thị trường của tác phẩm gốc: Các sản phẩm phái sinh không nên ảnh hưởng đến khả năng thị trường của tác phẩm gốc.

Tại Nhật Bản: Tuy không đề cập trực tiếp là sử dụng hợp lý nhưng tại Mục 5 Chương 3 Luật quyền tác giả Nhật Bản (Luật số 48, ngày 06/05/1970) quy định những trường hợp được phép sao chép, khai thác, sử dụng, trích dẫn các sản phẩm có bản quyền đều hướng tới những mục đích cộng đồng và giáo dục không vì mục đích sinh lời.

Tòa án sẽ xem xét cẩn thận bốn khía cạnh như đã đề cập phía trên và ưu tiên các trường hợp sử dụng cho một số mục đích như giảng dạy, nghiên cứu và phê bình, tin tức và báo chí, parody.

Upload image

Tòa án sẽ ưu tiên các trường hợp sử dụng này

Quy định là vậy nhưng từ khi có sự xuất hiện của AI, dường như mọi nhận định về sử dụng hợp lý lại cần phải thay đổi.

Xung đột giữa hai triết lý

Studio Ghibli từ lâu đã nổi tiếng với phong cách hoạt hình vẽ tay độc đáo, mang tính thủ công, giàu cảm xúc, trái ngược hoàn toàn với các phương pháp sản xuất công nghiệp. Họ rất nghiêm ngặt trong việc bảo vệ bản quyền và hiếm khi hợp tác với các nền tảng số hóa nội dung. Hồi năm 2016, ông Miyazaki - cha đẻ của Ghibli đã có một phát biểu đầy ấn tượng khi cho rằng AI là “một sự xúc phạm đến cuộc sống”.

Ngược lại, OpenAI đang dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đặc biệt với khả năng tạo hình ảnh của DALL·E. Công nghệ này được huấn luyện trên hàng triệu hình ảnh từ internet, cho phép người dùng tạo ra tác phẩm mang phong cách giống Ghibli một cách dễ dàng. OpenAI xem đây là một bước tiến trong sáng tạo số, giúp mở rộng khả năng nghệ thuật cho mọi người, thay vì giới hạn nó trong khuôn khổ truyền thống.

Và giờ đây hai triết lý gặp nhau tạo nên vụ nổ lớn, những bức tranh đầy màu sắc, kỳ ảo đặc trưng của Ghibli nhanh chóng tràn ngập mạng xã hội.

Upload image

Nghệ thuật nên khơi nguồn từ cọ hay từ code?

Vùng xám pháp lý

Không ngoài dự đoán, sự việc lần này lại dấy lên một cuộc tranh cãi từ các chuyên gia khi có hai luồng ý kiến:

1. OpenAI vi phạm bản quyền

Những cáo buộc đang được đưa ra cho rằng OpenAI “sử dụng trái phép các hình ảnh có bản quyền của Ghibli để đào tạo mô hình LLM” của mình. Điều đáng nói ở đây là những hình ảnh được tạo ra từ ChatGPT thực sự rất giống và làm mọi người liên tưởng ngay đến những bộ phim hoạt hình do studio này tạo ra.

Thứ nhất, điều này đòi hỏi OpenAI cần một lượng data đủ nhiều, đủ chất lượng để cho ra những bức ảnh đẹp tới vậy. Câu hỏi đặt ra là liệu data “free” trên Internet có đủ nhiều và đủ chất lượng để làm được điều đó? Mọi người có thể theo dõi vụ kiện giữa Authors Guild đối đầu OpenAI và Microsoft để biết đây không phải là lần đầu tiên OpenAI dính vào những tranh chấp pháp lý về bản quyền và về cách khai thác và sử dụng data trên Internet.

Thứ hai, điều này khiến nhiều người hiểu lầm rằng công cụ này được Ghibli Studio chính thức cho phép. Thậm chí, những bức ảnh do người dùng tạo ra còn dễ bị nhầm lẫn với tác phẩm chính chủ, đặc biệt khi có cá nhân sử dụng AI để tạo ra một cuốn sách với nội dung mang phong cách Ghibli. Đây là hành vi tạo tác phẩm phái sinh không được cấp phép, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả và thị trường sáng tạo.

Không những thế, lùm xùm nổ ra khi OpenAI chỉ cung cấp chức năng tạo hình ảnh cho tài khoản có trả phí.

Upload image

Theo ghi nhận trong vòng 48 giờ ra mắt tính năng mới, số lượng người dùng ChatGPT tăng vọt đột biến. Hành động này có thể được xem là hành động trục lợi, sử dụng tác phẩm có bản quyền cho mục đích thương mại, trực tiếp lấy đi cơ hội kinh doanh của Ghibli Studio trong lĩnh vực này.

2. OpenAI đang sử dụng hợp lý

Ngoài những lời chỉ trích, OpenAI cũng nhận về những quan điểm đồng tình.

Thứ nhất, việc sử dụng “phong cách” của một chủ thể nào đó để huấn luyện AI là điều có thể. Bởi những quy định hiện hành không hề đề cập tới vấn đề bảo hộ cái gọi là “phong cách”. OpenAI chỉ đang học dựa trên phong cách chung của Ghibli bởi những thông tin được cho phép tràn đầy trên mạng xã hội mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy. Nhiều nghệ sĩ vẽ theo phong cách của Van Gogh, Picasso hay Monet, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ vi phạm bản quyền. OpenAI huấn luyện GPT không sao chép một tác phẩm cụ thể của Ghibli mà chỉ tạo ra hình ảnh "lấy cảm hứng" từ phong cách này, điều này không vi phạm bản quyền.

Thứ hai, AI không sao chép từng pixel hay từng nét vẽ của Ghibli Studio mà chỉ học các đặc điểm chung và tạo ra tác phẩm mới. Điều này hoàn toàn phù hợp với yếu tố mục đích và tính chất của việc sử dụng là tạo ra các sản phẩm mới, sáng tạo phục vụ cuộc sống.

Thứ ba, không có bằng chứng nào cho thấy OpenAI đã sử dụng trực tiếp các tác phẩm của Ghibli Studio trong quá trình huấn luyện mô hình AI. Mặc dù OpenAI không công bố dữ liệu cụ thể mà họ sử dụng để huấn luyện AI, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sử dụng nội dung của Ghibli. Hình ảnh theo phong cách Ghibli có thể được tạo ra bởi AI ngay cả khi không có dữ liệu từ studio này. Nếu không có bằng chứng rõ ràng, OpenAI không thể bị kết tội chỉ dựa trên suy đoán.

Cuối cùng, mặc dù ChatGPT gặt hái không ít “kỷ lục” nhưng ai có thể khẳng định sau cơn sốt này Ghibli không nhận về được gì? OpenAI không cạnh tranh trực tiếp với Ghibli Studio và không gây thiệt hại tài chính rõ ràng cho họ. Những hình ảnh AI tạo ra không thể thay thế những bộ phim hoạt hình chất lượng cao mà Ghibli sản xuất. Nhiều fan của Ghibli sử dụng AI để tôn vinh phong cách nghệ thuật này, thay vì gây tổn hại đến thương hiệu của họ.

Upload image

Một số hình meme phong cách Ghibli lượm lặt trên mạng

Kết luận

Hiện tại, Ghibli vẫn chưa có động thái chính thức về vụ việc này. Nhưng cuộc tranh luận nổ ra lại phần nào mở ra những bối cảnh pháp lý phức tạp cùng các vấn đề lớn hơn cần giải quyết.

Dường như mọi ánh nhìn đang hướng về các nhà làm luật. Liệu luật pháp có đủ nhanh để theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ? Khi câu chuyện không còn là có vi phạm bản quyền hay không, mà là quy định nào sẽ được áp dụng? Đâu là điểm dừng cho sử dụng hợp lý, học hỏi hoặc tái tạo của AI?

Trong lúc chờ đợi những khung pháp lý rõ ràng hơn, người dùng cá nhân và doanh nghiệp cũng nên cẩn trọng khi sử dụng AI tạo nội dung. Hãy đảm bảo:

  • Không dùng AI để tái tạo tác phẩm nghệ thuật mà không có sự cho phép rõ ràng
  • Luôn kiểm tra kỹ các điều khoản sử dụng của công cụ AI và bản quyền đầu vào
  • Ưu tiên dùng các nguồn nội dung được phép sử dụng hoặc do chính mình tạo ra

Cùng chờ xem những diễn biến tiếp theo của vụ việc này sẽ dẫn dắt cuộc chơi công nghệ – pháp lý đến đâu nhé!

Tham khảo

Lawyer Says Studio Ghibli Could Take Legal Action Against OpenAI | Futurism

OpenAI’s viral Studio Ghibli moment highlights AI copyright concerns | Tech Crunch

Công ước Berne và sự tương thích với Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam | Tạp chí Tòa án

Atekco - Home for Authentic Technical Consultants
Atekco on Apple Podcast