Elasticsearch trở lại với open source: Kinh doanh hay cộng đồng?

Cuối tháng 8 năm nay, Elastic đã có thông báo về việc thay đổi giấy phép thành open source, tạo ra một chủ đề bàn luận sôi nổi trong giới công nghệ rằng đây là bước đi kinh doanh hay đóng góp cộng đồng?

Lịch sử thay đổi giấy phép của Elastic

Upload image

Năm 2010: Elasticsearch được phát triển bởi Shay Banon với hình thức một phần mềm tìm kiếm mã nguồn mở dựa trên nền tảng Apache Lucene. Ban đầu, Elasticsearch được phát hành dưới giấy phép Apache 2.0 - một giấy phép mã nguồn mở cho phép tự do sử dụng, phân phối và sửa đổi phần mềm.

Năm 2018: Elasticsearch ngày càng phổ biến, nhưng công ty Elastic lại gặp phải vấn đề với các nhà cung cấp dịch vụ Cloud lớn như AWS khi họ sử dụng Elasticsearch để cung cấp dịch vụ mà không đóng góp lại cho Elastic. Điều này dẫn đến việc Elastic phải tìm cách bảo vệ sản phẩm của mình trước các hình thức khai thác thương mại từ các công ty Cloud lớn.

Năm 2019: Elastic quyết định chuyển từ Apache 2.0 sang giấy phép Server Side Public License (SSPL) cho Elasticsearch và Kibana. SSPL yêu cầu các dịch vụ thương mại cung cấp dựa trên phần mềm phải công khai mã nguồn của toàn bộ hệ thống, không chỉ phần mềm chính. Tuy nhiên, SSPL không được cộng đồng công nhận là một giấy phép mã nguồn mở theo tiêu chuẩn của Open Source Initiative (OSI), dẫn đến nhiều tranh cãi tại thời điểm đó.

Năm 2021: Elastic tiếp tục điều chỉnh giấy phép, giới thiệu Elastic License 2.0 (ELv2) và sử dụng cho đến nay. ELv2 bảo vệ sản phẩm của Elastic khỏi việc bị sử dụng thương mại mà không có sự đồng ý, trong khi vẫn cho phép cộng đồng tiếp cận mã nguồn cho mục đích phi thương mại. Điều này giúp Elastic giữ vững quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển phi lợi nhuận và nghiên cứu.

Năm 2024: Sau ba năm, Elastic lại có thông báo trở lại với open source. Việc bổ sung AGPL có hiệu lực song song với ELv2 và SSPL đồng nghĩa với việc Elasticsearch và Kibana sẽ chính thức được coi là mã nguồn mở, cho phép cộng đồng Elastic sử dụng, sửa đổi, phân phối lại và cộng tác trên mã nguồn của Elastic.

Liệu đây có phải là bước tiến của Elastic?

Lý do bị 'bỏ ngỏ'

Mặc dù những tranh chấp liên quan đến AWS đã được giải quyết vào năm 2022, nhưng nó lại là lý do được nhắc đến nhiều nhất dẫn đến việc thay đổi giấy phép lần này. Thật mâu thuẫn khi vừa nhắc AWS là một trong lý do thay đổi nhưng sau đó Banon lại tuyên bố, “Mối quan hệ đối tác của chúng tôi với AWS mạnh mẽ hơn bao giờ hết”. Trên thực tế, “Chúng tôi thậm chí còn được vinh danh là đối tác của AWS trong năm”. Bên cạnh đó, “sự nhầm lẫn của thị trường đã (hầu hết) được giải quyết”.

Liệu hiểu lầm này thực sự có được giải quyết? Việc thay đổi lần này có phải nhằm hướng tới các đối thủ như AWS?

Những con số nói gì?

Cùng với việc công bố quay lại với open source, Elastic cũng đã công khai báo cáo thu nhập quý gần nhất. Tổng doanh thu của công ty là 347 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu Elastic Cloud là 157 triệu USD, tăng 30%. Một con số được đánh giá là khá tốt.

Upload image

Tuy nhiên, những con số trên thị trường chứng khoán lại thể hiện khác. Cổ phiếu của Elastic đã giảm 26% xuống còn 79,96 USD, trong năm, cổ phiếu đã giảm 32%, trong khi S&P 500 tăng 18%.

Trong báo cáo thu nhập, Giám đốc điều hành Elastic Ash Kulkarni giải thích: "Chúng tôi đã có khởi đầu chậm hơn trong năm, khối lượng cam kết của khách hàng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về phân khúc mà chúng tôi đã thực hiện vào đầu năm, mất nhiều thời gian hơn dự kiến để giải quyết. Chúng tôi đã thực hiện các bước để giải quyết vấn đề này, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của chúng tôi trong năm nay".

Cộng đồng nói gì?

Ngoài những ưu điểm mà giấy phép AGPL mang lại như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng khả năng kiểm soát pháp lý và ngăn chặn sự khai thác không công bằng thì vẫn sẽ tồn tại những nhược điểm khi Elastic tiến hành bổ sung giấy phép.

Trước nhiều ý kiến cho rằng “AGPL không phải là open source, giấy phép X mới là open source”, Banon đã đáp trả: “AGPL là giấy phép được OSI chấp thuận và được áp dụng rộng rãi. Ví dụ, MongoDB từng dùng AGPL và Grafana vẫn đang dùng loại giấy phép này. Điều này cho thấy AGPL không ảnh hưởng đến quá trình sử dụng hoặc mức độ phổ biến. Chúng tôi chọn AGPL vì chúng tôi tin rằng đây là cách tốt nhất để đặt nền móng, hướng tới việc phát triển nhiều mã nguồn mở hơn trên thế giới.”

Có lẽ mọi người trông chờ nhiều hơn thế bởi khi chuyển sang AGPL, Elastic có thể làm giảm khả năng đóng góp từ cộng đồng mã nguồn mở vì AGPL được xem là có tính hạn chế hơn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp không muốn công khai mã nguồn của họ.

Peter Zaitsev - người ủng hộ open source - đặt ra nghi vấn rằng: “Liệu niềm tin của cộng đồng có thể được phục hồi nhanh chóng như vậy không? Chúng ta có thể tin tưởng Elastic sẽ tiếp tục sử dụng mã nguồn mở lần này hay giấy phép có thể sẽ được thay đổi để phục vụ nhu cầu của thời điểm hiện tại?".

Dù thế nào đại diện Elastic đã rất hào hứng khi chia sẻ quyết định này tới công chúng. Theo The New Stack, Stefano Maffulli - Giám đốc điều hành của OSI đã gửi một email bày tỏ sự hân hoan này: “Chúng tôi rất vui mừng được chào đón Elastic trở lại hệ sinh thái mã nguồn mở".

Kết luận

Tôi xin phép mượn câu bình luận của Guido Iaquinti - CTO và đồng sáng lập tại SafetyClerk: Niềm tin là thứ cần nhiều thời gian để xây dựng nhưng có thể tan vỡ trong chớp mắt, chỉ có thời gian mới trả lời được.

Tham khảo

Elasticsearch is Open Source, Again

Elastic restitches its licensing model to account for ‘changed circumstances’

What's Behind Elastic's Unexpected Return to Open Source?

Elasticsearch will be open source again as CTO declares changed landscape

Elastic (ESTC) Financial Ratios and Metrics

Elastic returns to open source, but can it regain the community’s trust? Some industry players aren’t holding their breath

Atekco - Home for Authentic Technical Consultants