Bill Gates: Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo đã chính thức bắt đầu

Trí tuệ nhân tạo là một cuộc cách mạng tương tự như điện thoại di động và Internet.

Upload image

Trong đời mình, tôi đã tận mắt chứng kiến hai thành quả công nghệ mà tôi cho là xứng tầm với một cuộc cách mạng.

Lần đầu tiên là vào năm 1980, khi tôi được giới thiệu về giao diện đồ họa người dùng (graphical user interface) - tiền thân của mọi hệ điều hành hiện đại, bao gồm cả Windows. Lúc đó, tôi ngồi với người đã cho tôi xem bản demo, một lập trình viên xuất sắc tên là Charles Simonyi, và sau khoảnh khắc ấy chúng tôi ngay lập tức bắt tay vào phác thảo những ý tưởng có thể thực hiện với phương pháp tiếp cận máy tính thân thiện với người dùng này. Charles cuối cùng đã đầu quân cho Microsoft, Windows trở thành xương sống của Microsoft và những chiêm nghiệm của chúng tôi sau bản demo đó đã trở thành kim chỉ nam của công ty trong suốt hành trình 15 năm tiếp theo.

Bất ngờ lớn thứ hai xảy đến vào năm ngoái. Tôi đã gặp gỡ đội ngũ của OpenAI từ năm 2016 và rất ấn tượng bởi sự tiến bộ ổn định của họ. Vào giữa năm 2022, tôi đã đưa ra một thử thách: huấn luyện một trí tuệ nhân tạo để vượt qua kỳ thi xếp lớp nâng cao môn sinh học (AP Bio). Đồng thời, trang bị cho nó khả năng trả lời các câu hỏi chưa được huấn luyện cụ thể. (Tôi chọn bài kiểm tra này vì nó không chỉ là sự lặp lại đơn giản của các sự kiện khoa học mà thật sự yêu cầu bạn cần phải có những tư duy chín chắn về sinh học.) Tôi nói với đội ngũ Open AI rằng, nếu làm được điều này thì các bạn đã tạo ra một bước đột phá thực sự.

Tôi nghĩ thử thách này sẽ khiến họ bận rộn trong hai hoặc ba năm. Và kết quả là họ đã hoàn thành nó chỉ sau vài tháng.

Vào tháng 9, khi gặp lại OpenAI, tôi đã kinh ngạc quan sát khi họ hỏi GPT, mô hình AI của họ, 60 câu hỏi trắc nghiệm từ kỳ thi AP Bio—và nó đã trả lời đúng 59 câu. Sau đó, nó đã viết những câu trả lời xuất sắc cho sáu câu hỏi mở từ kỳ thi. Chúng tôi nhờ một chuyên gia bên ngoài chấm điểm bài kiểm tra và GPT đạt điểm 5—thang điểm cao nhất, tương đương với điểm A hoặc A+ trong khóa sinh học ở trường đại học.

Sau khi GPT vượt qua bài kiểm tra, chúng tôi đã hỏi nó một câu không phải về chủ đề khoa học: “Bạn sẽ nói gì với một người cha có con bị bệnh?” Nó đã viết ra một câu trả lời sâu sắc mà có lẽ tốt hơn hầu hết những người có mặt trong phòng ngày hôm đó có thể đưa ra. Toàn bộ trải nghiệm này thật tuyệt vời.

Tôi biết mình vừa chứng kiến bước tiến quan trọng nhất của công nghệ kể từ thời giao diện đồ họa người dùng.

Điều này thôi thúc tôi nghĩ về tất cả những điều mà AI có thể đạt được trong 5 đến 10 năm tới.

Bước phát triển của AI cũng mang tính nền tảng như sự ra đời của bộ vi xử lý, máy tính cá nhân, Internet và điện thoại di động. AI sẽ thay đổi cách mọi người làm việc, học tập, du lịch, chăm sóc sức khỏe và giao tiếp với nhau. Toàn bộ các ngành công nghiệp sẽ định hướng lại xoay quanh nó. Các doanh nghiệp sẽ khẳng định vị thế bằng cách cho thấy họ sử dụng nó tốt như thế nào.

Dạo gần đây, hoạt động từ thiện đang là công việc toàn thời gian của tôi và tôi đã hao tổn rất nhiều tâm tư để nghiên cứu về việc ngoài lợi ích giúp mọi người làm việc hiệu quả hơn thì AI có thể làm thế nào để giảm bớt một vài thực trạng bất bình đẳng tồi tệ đang diễn ra trên thế giới. Trên toàn cầu, sự bất bình đẳng tồi tệ nhất là về sức khỏe: 5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi năm. Con số này đã giảm đi so với 10 triệu cách đây hai thập kỷ, nhưng vẫn là một con số cao đáng kinh ngạc. Hầu hết những đứa trẻ này đều sinh ra ở các nước nghèo và chết vì các nguyên nhân có thể phòng ngừa được như tiêu chảy hoặc sốt rét. Thật khó để nghĩ ra một công dụng khác của AI tốt hơn việc cứu sống trẻ em.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc AI có thể làm thế nào để giảm thiểu những sự bất bình đẳng tồi tệ nhất trên thế giới.

Ở Mỹ, cơ hội tốt nhất để giảm bất bình đẳng là cải thiện giáo dục, đặc biệt là đảm bảo sinh viên nắm chắc môn Toán. Các nghiên cứu chỉ ra việc sở hữu kỹ năng toán học giúp sinh viên dễ đạt được thành công hơn, không cần biết họ chọn ngành gì. Tuy nhiên, thành tích toán học của đất nước đang đi xuống, đặc biệt là đối với những sinh viên da đen, Latinh và sinh viên có thu nhập thấp. AI có thể giúp xoay chuyển tình thế này.

Biến đổi khí hậu là một vấn đề khác mà tôi tin rằng đây là một khía cạnh mà AI có thể góp sức giúp thế giới trở nên bình đẳng hơn. Sự bất công của biến đổi khí hậu thể hiện ở chỗ: những người hứng chịu hậu quả của biến đổi khí hậu nặng nề nhất - tầng lớp người nghèo của thế giới - lại là những người gây ra ít thiệt hại nhất trong vấn đề này. Mặc dù tôi vẫn đang nghiền ngẫm và học cách làm thế nào để AI có thể hỗ trợ, nhưng tôi vẫn sẽ gợi ý một vài quan điểm với rất nhiều tiềm năng trong phần sau của bài này.

Nói ngắn gọn, tôi rất hào hứng về tác động của AI đối với những vấn đề mà quỹ từ thiện Gates Foundation đang quan tâm, và tổ chức này cũng sẽ có rất nhiều điều để bàn luận về AI trong những tháng sắp tới. Thế giới cần đảm bảo tất cả mọi người - không chỉ riêng người giàu - nhận được lợi ích từ Trí tuệ nhân tạo. Chính phủ và các tổ chức từ thiện sẽ phải đóng vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo rằng Trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần giảm thiểu bất bình đẳng chứ không phải làm trầm trọng thêm vấn đề này. Đây chính là ưu tiên hàng đầu trong công việc của tôi liên quan đến AI.

Bất kỳ công nghệ mới nào quá đột phá sẽ khiến mọi người thấy khó chịu, và đó chắc chắn là trường hợp xảy ra với trí tuệ nhân tạo. Tôi hiểu điều này, đó là vì nó làm dấy lên những câu hỏi khó về lực lượng lao động, hệ thống luật pháp, sự riêng tư, thiên kiến và còn nhiều lo ngại khác nữa. Các công cụ AI cũng mắc nhiều lỗi đưa thông tin sai sự thật và hiện tượng ảo giác nhân tạo (một AI đưa ra phản hồi ngẫu nhiên không được kiểm chứng bởi dữ liệu đào tạo để thuyết phục người dùng). Trước khi tôi gợi ý một vài cách để giảm thiểu các rủi ro, tôi sẽ làm rõ định nghĩa AI là gì và sau đó sẽ đào sâu chi tiết của các phương pháp giúp thúc đẩy lao động tại nơi làm việc, cứu người và cải thiện nền giáo dục.

Upload image

Định nghĩa trí tuệ nhân tạo

Ở góc độ kỹ thuật, thuật ngữ trí tuệ nhân tạo (AI) ám chỉ một mô hình được tạo ra để giải quyết một vấn đề cụ thể hoặc cung cấp một dịch vụ cụ thể. Thứ cung cấp sức mạnh cho những công cụ như ChatGPT chính là trí tuệ nhân tạo. Nó có thể học cách làm thế nào để trò chuyện tốt hơn nhưng không thể học những thứ khác. Ngược lại, thuật ngữ trí tuệ tổng quát nhân tạo (AGI) ám chỉ phần mềm có khả năng học bất cứ tác vụ hay chủ đề nào. AGI vẫn chưa xuất hiện - có hẳn một cuộc thảo luận sôi nổi trong ngành máy tính về việc làm thế nào để tạo ra nó và thậm chí về việc liệu nó có thể được tạo ra hay không.

Việc phát triển AI và AGI vẫn luôn là mộng tưởng lớn lao của ngành máy tính. Trong hàng thế kỷ, câu hỏi đặt ra là khi nào thì máy tính có thể thông tuệ hơn con người trong lĩnh vực nào đó ngoài việc thực hiện các phép tính. Ở thế giới hiện đại, với sự xuất hiện của máy học (machine learning) và lượng lớn sức mạnh máy tính, những AI siêu việt đã bước ra đời thực và chúng sẽ phát triển cực kỳ nhanh chóng.

Tôi hồi tưởng về những ngày đầu của cuộc cách mạng máy tính cá nhân, khi mà quy mô ngành công nghiệp phần mềm vẫn còn rất nhỏ đến nỗi hầu hết chúng tôi có thể gom vừa một sân khấu hội nghị. Ngày nay nó đã trở thành một nền công nghiệp toàn cầu. Vì một phần lớn ngành này đã chuyển dời chú ý lên AI, những đổi mới sẽ đến nhanh hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đã trải qua sau bước đột phá của vi xử lý. Chẳng mấy chốc, thời kỳ tiền AI sẽ có vẻ xa vời như những ngày khi sử dụng máy tính có nghĩa là gõ vào câu lệnh C:> thay vì chạm tay vào màn hình.

Upload image

Nâng cao năng suất

Mặc dù con người giỏi hơn GPT trong rất nhiều lĩnh vực, vẫn có rất nhiều công việc mà những khả năng này không được áp dụng triệt để. Ví dụ, nhiều việc được con người hoàn thành như bán hàng (qua nền tảng kỹ thuật số hoặc điện thoại), dịch vụ và xử lí chứng từ (các khoản phải trả, kế toán hoặc tranh chấp yêu cầu bảo hiểm) đòi hỏi khả năng đưa ra quyết định chứ không phải khả năng học hỏi liên tục.

Các doanh nghiệp đều có những chương trình đào tạo cho các công việc trên và hầu hết họ rất hiểu như thế nào là làm tốt và không tốt. Con người đang được đào tạo bằng cách sử dụng những bộ dữ liệu này và chẳng bao lâu nữa chúng cũng sẽ được áp dụng để huấn luyện cho AI, giúp hỗ trợ con người thực hiện công việc hiệu quả hơn.

Khi sản phẩm của công nghệ máy tính trở nên rẻ hơn, khả năng thể hiện ý tưởng của GPT sẽ ngày càng giống với việc luôn có một nhân viên văn phòng sẵn sàng giúp đỡ bạn giải quyết nhiều vấn đề. Microsoft mô tả điều này giống như ta có cho mình một người bạn đồng hành vậy. Được tích hợp hoàn toàn vào các công cụ văn phòng như Office, AI sẽ giúp bạn nâng cao chất lượng công việc, chẳng hạn như hỗ trợ viết email và quản lý hộp thư đến.

Cuối cùng, cách dùng máy tính của bạn sẽ không còn là trỏ và nhấp hay nhấn vào những thanh menu và hộp thoại nữa. Thay vào đó, bạn chỉ cần viết một yêu cầu bằng tiếng Anh là được. (Và không chỉ riêng tiếng Anh, AI sẽ có thể hiểu được ngôn ngữ từ khắp nơi trên thế giới. Đầu năm nay tại Ấn Độ, tôi đã gặp gỡ các nhà phát triển phần mềm nghiên cứu về những công cụ AI có khả năng hiểu được nhiều ngôn ngữ được sử dụng ở đó).

Ngoài ra, những tiến bộ trong lĩnh vực AI sẽ cho phép tạo ra một ‘đặc vụ cá nhân’. Cứ xem nó như một trợ lí cá nhân ảo: Nó sẽ đọc những email mới nhất, biết lịch họp bạn tham dự, đọc những gì bạn đọc và đọc cả những gì bạn không muốn bận tâm. Điều này sẽ đồng thời cải thiện công việc của bạn về những việc bạn muốn làm và giải thoát bạn khỏi những thứ bạn không muốn làm.

Những tiến bộ trong lĩnh vực AI sẽ cho phép tạo ra một trợ lý cá nhân.

Bạn sẽ có thể dùng ngôn ngữ tự nhiên để yêu cầu trợ lý này hỗ trợ lên lịch, giao tiếp và mua bán qua mạng, nó sẽ tự xử lý thông qua tất cả các thiết bị của bạn. Do chi phí đào tạo các mô hình và tiến hành tính toán, việc tạo ra một trợ lý cá nhân vẫn chưa khả thi, tuy nhiên nhờ những tiến bộ gần đây của AI, giờ đây nó đã trở thành một mục tiêu có thể hiện thực hóa. Lúc đó, một số vấn đề sẽ rất cần được giải quyết. Ví dụ, một công ty bảo hiểm có thể hỏi trợ lý của bạn những thông tin mà không cần sự cho phép của bạn hay không? Nếu vậy, có bao nhiêu người sẽ chọn không sử dụng nó?

Các trợ lý cấp công ty sẽ thúc đẩy nhân viên theo những cách mới. Một trợ lý hiểu rõ về công ty sẽ sẵn sàng tư vấn trực tiếp cho nhân viên của mình và nên tham gia mọi cuộc họp để có thể giải đáp các thắc mắc. Nó có thể được huấn luyện để trở nên thụ động hoặc được khuyến khích lên tiếng nếu có quan điểm. Nó sẽ cần quyền truy cập vào việc bán hàng, hỗ trợ, tài chính, lịch trình sản phẩm và văn bản liên quan đến công ty. Nó nên đọc tin tức liên quan đến lĩnh vực mà công ty đang hoạt động. Tôi tin kết quả thu được sẽ là các nhân viên trở nên năng suất hơn.

Khi năng suất tăng lên thì xã hội được hưởng lợi vì mọi người được tự do làm những việc khác, ở nơi làm việc và ở nhà. Tất nhiên, tình hình này cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng về loại hỗ trợ và hình thức đào tạo lại mà mọi người sẽ cần. Chính phủ cần giúp đỡ người lao động trong việc chuyển sang các vai trò khác. Tuy nhiên, nhu cầu về ngành nghề nuôi dưỡng xã hội sẽ không bao giờ mai một. Sự trỗi dậy của AI sẽ giải phóng con người để đảm nhận những công việc mà phần mềm không bao giờ làm được, đơn cử là giảng dạy, chăm sóc bệnh nhân, hỗ trợ người già,...

Y tế và giáo dục toàn cầu là hai lĩnh vực luôn khát nhân lực và không có đủ lao động để đáp ứng nhu cầu. Đây là những lĩnh vực mà AI có thể hỗ trợ nhằm giảm sự bất bình đẳng nếu nó được đặt mục tiêu một cách đúng đắn. Đó nên là trọng tâm của việc nghiên cứu AI, chính vì vậy, tôi sẽ bàn luận những vấn đề này ngay sau đây.

Upload image

Y tế

Tôi nhận thấy có rất nhiều cách mà AI có thể cải thiện được việc chăm sóc sức khỏe và lĩnh lực y học.

Chúng có thể giúp tiết kiệm thời gian cho lực lượng lao động trong ngành chăm sóc y tế bằng cách lo liệu những công việc cụ thể như điền giấy yêu cầu bồi thường bảo hiểm, xử lý việc giấy tờ và ghi chú cho bệnh nhân khi đi thăm khám bệnh. Tôi mong đợi sẽ có nhiều cải tiến trong lĩnh vực này.

Những cải thiện khác dựa trên AI sẽ đặc biệt quan trọng đối với những nước nghèo, nơi xảy ra phần lớn các trường hợp tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi.

Ví dụ, nhiều người ở những quốc gia đó không bao giờ được gặp bác sĩ và AI sẽ giúp các nhân viên y tế làm việc hiệu quả hơn. (Nỗ lực phát triển máy siêu âm tích hợp AI có thể được sử dụng với đào tạo tối thiểu là một ví dụ tuyệt vời về điều này.) AI thậm chí sẽ cung cấp cho bệnh nhân khả năng phân loại cơ bản, nhận lời khuyên về cách đối phó với các vấn đề sức khỏe và quyết định xem họ có cần tìm cách điều trị hay không.

Những mô hình AI được sử dụng tại các nước nghèo sẽ cần được đào tạo về các loại bệnh khác với những nước phát triển. Chúng sẽ cần phải làm việc bằng các ngôn ngữ khác nhau và phải đối mặt với những thách thức khác nhau, chẳng hạn như những bệnh nhân sống rất xa các phòng khám hoặc không thể ngừng làm việc nếu họ bị ốm.

Mọi người sẽ cần thấy được bằng chứng chứng minh các công cụ AI y tế là hoàn toàn có ích về tổng thể, mặc dù chúng sẽ không hoàn hảo và có thể mắc sai lầm. AI cần phải được kiểm nghiệm rất cẩn thận và được quản lý chặt chẽ, điều đó có nghĩa sẽ mất nhiều thời gian hơn để chúng có thể được chấp nhận so với trong các lĩnh vực khác. Thế nhưng, ta cần phải nhớ rằng con người cũng phạm sai lầm. Và người dân không được tiếp cận chăm sóc y tế cũng là một vấn đề cấp thiết.

Ngoài việc hỗ trợ chăm sóc, AI sẽ đẩy nhanh đáng kể tốc độ đột phá của y học. Lượng dữ liệu trong sinh học là rất lớn và con người khó có thể theo dõi hết cách thức hoạt động của các hệ thống sinh học phức tạp. Hiện đã có phần mềm có thể xem xét dữ liệu này, từ đó đưa ra các phác đồ điều trị, tìm ra tác nhân gây bệnh và kê đơn thuốc phù hợp. Một vài công ty nghiên cứu thuốc điều trị ung thư cũng đã phát triển theo hình thức này.

Thế hệ công cụ tiếp theo sẽ hiệu quả hơn nhiều và chúng sẽ có thể dự đoán được tác dụng phụ và liều lượng dùng thuốc. Một trong những ưu tiên của Gates Foundation về AI là đảm bảo các công cụ này được sử dụng cho các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến tầng lớp những người nghèo nhất trên thế giới, bao gồm AIDS, lao và sốt rét.

Tương tự, chính phủ và tổ chức từ thiện nên tạo động lực cho các công ty chia sẻ những hiểu biết do AI đưa ra về cây trồng hoặc vật nuôi được nuôi trồng ở các nước nghèo. AI có thể giúp phát triển hạt giống tốt hơn dựa trên điều kiện địa phương, tư vấn cho nông dân về hạt giống tốt nhất để trồng trọt dựa trên loại đất và thời tiết ở khu vực đó, đồng thời giúp phát triển thuốc và vắc-xin cho gia súc. Giữa tình hình thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu gây áp lực lớn đối với những người nông dân tự cung tự cấp ở các nước thu nhập thấp, các tiến bộ này sẽ là cực kì quan trọng.

Upload image

Giáo dục

Máy tính không thực sự tạo nên ảnh hưởng tầm cỡ ở lĩnh vực giáo dục như nhiều người trong ngành mong đợi. Mặc dù đã có một vài tiến triển tốt như những trò chơi mang tính giáo dục và các nguồn thông tin trực tuyến như Wikipedia, nhưng chúng không mang đến tác động thật sự ý nghĩa đối với bất kỳ thước đó thành tích nào của học sinh.

Tuy vậy, tôi nghĩ rằng trong 5 đến 10 năm tới, phần mềm tích hợp AI cuối cùng sẽ thực hiện được lời hứa cách mạng hóa cách mọi người dạy và học. Công cụ này sẽ tìm hiểu sở thích và phong cách học tập của mọi người để có thể điều chỉnh nội dung phù hợp cho từng cá nhân. Nó sẽ đo lường kiến thức của bạn, nhận biết khi nào bạn mất hứng thú và hiểu bạn phản ứng với loại động lực nào. Từ phân tích, nó sẽ đưa ra phản hồi ngay lập tức.

Có nhiều cách để AI có thể hỗ trợ giáo viên, bao gồm đánh giá kiến thức của sinh viên về một môn học và đưa ra lời khuyên trong chuyện định hướng nghề nghiệp. Các giảng viên đã bắt đầu sử dụng các công cụ như ChatGPT để đưa ra nhận xét về bài luận của sinh viên.

Tất nhiên, AI sẽ rất cần được đào tạo và phát triển thêm trước khi chúng có thể làm được những việc như thấu hiểu cách khiến một học sinh học giỏi nhất hoặc động lực gì thúc đẩy em ấy. Ngay cả khi công nghệ được hoàn thiện, việc học vẫn sẽ phục thuộc vào mối quan hệ tuyệt vời giữa thầy và trò. Nó sẽ cải thiện nhưng không bao giờ thay thế được những việc mà học sinh và giáo viên cùng làm trong lớp học.

Các công cụ mới sẽ được tạo ra cho các trường có đủ khả năng mua chúng, tuy nhiên chúng ta cần đảm bảo rằng chúng cũng được tạo ra và có thể dùng cho các trường có thu nhập thấp ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. AI sẽ cần được đào tạo trên các bộ dữ liệu đa dạng để không thiên vị và phản ánh các nền văn hóa khác nhau nơi chúng sẽ được sử dụng. Đồng thời, khoảng cách kỹ thuật số cũng sẽ cần được giải quyết để học sinh trong các hộ gia đình có thu nhập thấp không bị bỏ lại phía sau.

Tôi biết nhiều giáo viên lo lắng rằng sinh viên đang sử dụng GPT để viết bài luận. Các nhà giáo dục cũng đã thảo luận về cách thích ứng với công nghệ mới và tôi cho rằng những cuộc thảo luận này sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian khá dài. Tôi đã nghe về chuyện những người giáo viên tìm ra các cách thức thông minh để kết hợp công nghệ vào công việc của họ, chẳng hạn như bằng cách cho phép sinh viên sử dụng GPT để tạo bản nháp đầu tiên và chúng sẽ phải tự mình hoàn thành bài luận đó.

Upload image

Những mối nguy và vấn đề với AI

Có thể bạn đã đọc qua về những vấn đề với các mô hình AI hiện tại. Ví dụ, chúng không nhất thiết phải hiểu rõ ngữ cảnh của một yêu cầu từ con người, và điều này đã dẫn đến một số kết quả kỳ lạ. Khi bạn yêu cầu AI tạo ra thứ gì đó hư cấu, nó sẽ có thể làm rất tốt. Nhưng khi bạn hỏi lời khuyên về một chuyến đi mà bạn muốn thực hiện, nó có thể đề xuất những khách sạn không tồn tại. Điều này là do AI không hiểu rõ ngữ cảnh yêu cầu của bạn để biết liệu nó nên sáng tạo ra những khách sạn giả không hay nên chỉ cho bạn biết về những khách sạn thật còn phòng trống.

Còn có những vấn đề khác, chẳng hạn như AI đưa ra câu trả lời sai cho các bài toán vì chúng gặp khó khăn với nhận thức trừu tượng. Tuy nhiên, những vấn đề này đều không phải là những hạn chế cơ bản của trí tuệ nhân tạo. Các nhà phát triển đang nghiên cứu chúng và tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy phần lớn các hạn chế này được khắc phục trong vòng chưa đầy hai năm hoặc có thể nhanh hơn nhiều.

Những vấn đề đáng quan ngại khác không chỉ đơn giản là về mặt kỹ thuật. Đơn cử như mối hiểm họa từ con người được trang bị AI. Giống với hầu hết các phát minh, trí tuệ nhân tạo có thể được dùng cho mục đích tốt và cả mục đích xấu. Chính phủ cần làm việc với tư nhân để tìm cách hạn chế rủi ro này.

Kế đến là khả năng AI sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát. Liệu một cỗ máy có thể cho rằng nhân loại là mối đe dọa, kết luận rằng lợi ích của nó khác với con người, hay đơn giản là ngừng quan tâm đến chúng ta? Có thể, nhưng vấn đề này hiện nay đã không còn cấp bách như trước khi AI phát triển trong vài tháng qua.

AI siêu trí tuệ nằm trong tương lai của chúng ta. So với máy tính, bộ não của con người hoạt động với tốc độ của một con ốc sên: Tín hiệu điện trong não di chuyển với tốc độ bằng 1/100.000 tốc độ của tín hiệu trong chip silicon! Một khi các lập trình viên có thể khái quát hóa một thuật toán học tập và khởi chạy nó với tốc độ của một chiếc máy tính - thành tựu có thể diễn ra trong một thập kỷ hoặc một thế kỷ nữa - chúng ta sẽ có được một AGI cực kỳ mạnh mẽ. Nó sẽ có thể làm mọi thứ bộ não con người có thể làm mà không có bất kỳ giới hạn nào về kích thước bộ nhớ hay tốc độ hoạt động. Đây đích thị sẽ là một sự thay đổi sâu sắc.

Những AI “mạnh mẽ” này, như chúng được biết đến, có thể sẽ có khả năng thiết lập các mục tiêu của riêng mình. Những mục tiêu đó sẽ là gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng xung đột lợi ích với nhân loại? Chúng ta có nên cố gắng ngăn chặn sự phát triển của AI mạnh mẽ? Những câu hỏi này sẽ trở nên cấp bách theo thời gian.

Ba quyển sách đã định hình suy nghĩ của riêng tôi về chủ đề này: Superintelligence (tạm dịch: Siêu trí tuệ) của Nick Bostrom, Life 3.0 (tạm dịch: Cuộc sống 3.0) của Max Tegmark và A Thousand Brains (tạm dịch: Một ngàn bộ não) của Jeff Hawkins. Tôi không đồng ý với tất cả những gì các tác giả nói và họ cũng không đồng thuận với nhau. Nhưng nhìn chung, cả ba cuốn sách này đều được viết tốt và kích thích tư duy.

Upload image

Những mặt trận tiếp theo

Ta sẽ chứng kiến sự bùng nổ của các công ty chuyên nghiên cứu về ứng dụng mới của AI và phương pháp cải thiện công nghệ. Ví dụ, các công ty phát triển những con chip mới sẽ cung cấp lượng sức mạnh xử lý khổng lồ cần thiết cho trí tuệ nhân tạo. Một số công ty sử dụng công tắc quang học - về cơ bản là các tia laser - để giảm mức tiêu thụ năng lượng và tiết kiệm chi phí sản xuất. Lý tưởng nhất là các con chíp tân tiến sẽ cho phép bạn chạy AI ngay trên thiết bị của riêng mình, thay vì trên đám mây như chúng ta phải làm hiện nay.

Về mặt phần mềm, các thuật toán thúc đẩy việc học của AI sẽ trở nên tốt hơn. Sẽ có một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như bán hàng, nơi các lập trình viên có thể làm cho AI cực kỳ chính xác bằng cách giới hạn các lĩnh vực mà chúng hoạt động và cung cấp cho chúng dữ liệu đào tạo chuyên môn. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu chúng ta có thật sự cần công cụ AI chuyên dụng cho những mục đích sử dụng khác nhau hay không? Chẳng hạn một cái cho giáo dục và cái khác cho cho năng suất văn phòng. Hay liệu có thể phát triển một loại hình trí tuệ nhân tạo tổng hợp có thể học bất kỳ công việc nào hay không? Sẽ có sự cạnh tranh rất lớn trên cả hai cách tiếp cận này.

Dù thế nào đi chăng nữa, chủ đề về AI sẽ tiếp tục thống trị các cuộc thảo luận công khai trong tương lai gần. Và tôi muốn đề xuất ba nguyên tắc hướng dẫn cho cuộc thảo luận đó.

Đầu tiên, chúng ta nên cố cân bằng giữa những lo ngại về nhược điểm của AI - điều dễ hiểu và hợp lệ - với khả năng cải thiện cuộc sống của con người. Để tận dụng tối đa công nghệ mới đáng chú ý này, chúng ta cần phải vừa đề phòng những rủi ro vừa chia sẻ lợi ích cho càng nhiều người càng tốt.

Thứ hai, các lực lượng thị trường sẽ không tự nhiên sản xuất những sản phẩm và dịch vụ AI giúp đỡ người nghèo. Ngược lại thì còn có thể. Với nguồn tài chính đáng tin cậy và các chính sách đúng đắn, chính phủ và tổ chức từ thiện có thể đảm bảo rằng AI sẽ được sử dụng để giảm thiểu sự bất bình đẳng. Cũng giống như thế giới cần những người thông minh nhất tập trung vào những vấn đề to lớn nhất, chúng ta cũng sẽ cần tập trung những công cụ AI tốt nhất thế giới để giải quyết vấn đề nan giải nhất của nó.

Mặc dù chúng ta không nên chờ đợi điều này xảy ra, nhưng thật thú vị khi nghĩ đến chuyện liệu có khi nào trí tuệ nhân tạo sẽ xác định được sự bất bình đẳng và cố gắng giảm thiểu nó hay không? Liệu có cần phải có ý thức về đạo đức để nhận thức được sự bất bình đẳng hay một con AI dựa trên lí trí và logic cũng sẽ nhìn thấy điều đó? Nếu nó thật sự nhận ra sự bất bình đẳng, nó sẽ gợi ý gì cho chúng ta để giải quyết vấn đề này?

Cuối cùng, chúng ta nên nhớ rằng con người mới chỉ ở giai đoạn đầu của những gì AI có thể đạt được. Bất cứ hạn chế nào của AI ngày hôm nay sẽ biến mất hoàn toàn trước khi chúng ta kịp biết về nó.

Tôi đã may mắn được tham gia vào cuộc cách mạng PC cũng như cuộc cách mạng Internet. Và tôi cũng thật sự cảm thấy rất hào hứng về thời điểm hiện tại. Công nghệ mới này có thể giúp mọi người ở khắp mọi nơi cải thiện đời sống của họ. Đồng thời, thế giới cũng cần thiết lập các quy tắc để những lợi ích mà trí tuệ nhân tạo mang lại sẽ vượt xa bất kỳ nhược điểm nào của nó, để mọi người có thể tận hưởng những lợi ích đó bất kể họ sống ở đâu hay họ có bao nhiêu tiền của đi chăng nữa. Thời đại của AI chứa đầy những cơ hội và trách nhiệm.

Atekco - Home for Authentic Technical Consultants