Trí tuệ nhân tạo là thước đo vị thế của các gã khổng lồ công nghệ
Các nhà đầu tư đang đặt ra một tiêu chuẩn đánh giá mới cho các công ty công nghệ, đó là khả năng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) làm khuynh đảo giới công nghệ toàn cầu vào cuối năm 2022 đến nay đã dẫn đến nhu cầu chinh phục và làm chủ công nghệ này. Các tập đoàn công nghệ lớn nhanh chóng lao vào cuộc chiến tự thân phát minh hay chí ít là rót tiền đầu tư vào các dịch vụ trí tuệ nhân tạo tân tiến nhất. Đối với các công ty khởi nghiệp (startup), đây là thời điểm mấu chốt để cải thiện các công cụ phần mềm nhằm phát triển sản phẩm và nhanh chóng mở rộng quy mô, đánh vào những thị trường mới.
Với sự ra mắt gần đây của GPT-4, ta có thể thấy bước tiến của sự phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (hầu hết dưới dạng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs)) là cực kì nhanh chóng. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với các công ty khởi nghiệp khi họ có thể tiếp cận và sử dụng những công cụ thúc đẩy hiệu suất công việc nhờ vào những công nghệ từ OpenAI và các công ty đối thủ của nó.
Công ty OpenAI ra mắt mô hình GPT-4
Tuy nhiên, tình hình có vẻ khác biệt đối với những công ty công nghệ lớn. Vào năm 2019, Microsoft đã chi 1 tỷ đô tiền đầu tư vào OpenAI và tiếp tục rót thêm hàng tỷ đô nữa để kéo dài hợp tác giữ hai bên vào đầu năm nay. Thành quả của thương vụ kết hợp tỷ đô này đã bao trùm toàn bộ đế chế phần mềm Microsoft. Ta có thể thấy, công cụ tìm kiếm Bing đang ứng dụng công nghệ của OpenAI, tương tự đối với giải pháp chuyên về quản lý mối quan hệ khách hàng (CRM) và các ứng dụng văn phòng (Office Suite) của Microsoft. Công cụ tìm kiếm Bing đã được ra mắt từ lâu nhưng không có bước tiến quan trọng nào trước khi nó được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo mới. Kể từ khi được tích hợp công nghệ tiên tiến của nhà OpenAI, lượng người sử dụng Bing bắt đầu tăng vọt. Bing đồng thời cũng có cho mình một danh sách chờ những người dùng muốn trải nghiệm công cụ mới tích hợp GPT-4 trước khi nó được ra mắt chính thức trong phiên bản trả phí.
Amazon và Apple cũng không hề kém cạnh khi đưa ra những động thái đầu tư vào trí tuệ nhân tạo. Amazon cung cấp nhiều loại dịch vụ trí tuệ nhân tạo và machine learning (học máy) cũng như hỗ trợ cơ sở hạ tầng đám mây thông qua nền tảng AWS của mình. Đối với Apple, trong năm 2021, họ đã đầu tư khoảng 1 tỷ đô vào việc xây dựng một cơ sở làm việc mới, dự kiến cung cấp 3000 việc làm lương cao trong lĩnh vực machine learning, trí tuệ nhân tạo và kỹ sư phần mềm.
Tuy nhiên, theo nguồn tin từ trang Reuters, sự phát triển của các công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến đang gây áp lực buộc những gã khổng lồ công nghệ như Google, Microsoft, Apple và Amazon phải đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển. Các sản phẩm đang được phát triển là rất tốn kém và phức tạp, đồng thời có thể gây ra rủi ro tài chính đáng kể nếu chúng không đạt được kết quả như mong đợi.
Ngân hàng đầu tư kiêm công ty chứng khoán Morgan Stanley ước tính, việc trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo vào công cụ tìm kiếm Google như mô hình của ChatGPT sẽ tiêu tốn của công ty Alphabet (công ty mẹ của Google) một khoản chi phí lên đến 1.2 tỷ đô cho mỗi 10% câu hỏi mà công cụ này xử lý.
Chi phí ước tính Google phải gánh khi áp dụng AI để xử lí kết quả tìm kiếm (Ảnh: Reuters)
Với việc các công ty công nghệ lớn nắm trong tay nhiều thị trường, rất khó để xác định hiệu suất cổ phiếu của họ bị ảnh hưởng bởi yếu tố nào. Tuy nhiên cả ba chiến thần trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo là Microsoft, Google và Baidu đều đã tăng điểm phần trăm lên hai con số tính đến năm 2023.
Chúng ta cũng từng chứng kiến các nhà đầu tư chỉ trích những gã khổng lồ công nghệ khi các sản phẩm trí tuệ nhân tạo của họ thất bại trong việc khuấy động thị trường. Google từng đứng mũi chịu sào khi công cụ trí tuệ nhân tạo của công ty này đưa ra câu trả lời sai. Bên cạnh đó, cổ phiếu của Baidu liên tục rớt giá vào tuần trước, nguyên nhân là do sự kiện ra mắt công cụ trí tuệ nhân tạo Ernie của họ gây thất vọng cho công chúng khi họ chỉ phát sóng những đoạn video quay từ trước chứ không trực tiếp tương tác với công cụ. Tuy nhiên, những đánh giá tích cực trong vài ngày sau đó đã phần nào giúp hồi phục giá trị của công ty Trung Quốc này.
Cổ phiếu Baidu giảm mạnh đến 10% sau phiên họp báo giới thiệu chatbot Ernie gây nhiều thất vọng (Ảnh: Bloomberg)
Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao công nghệ trí tuệ nhân tạo từ các tập đoàn công nghệ lớn bởi với họ điều cốt lõi trong cuộc đua này chính là khả năng cạnh tranh lâu dài.
- Các nhà đầu tư kỳ vọng về sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo và sự triển khai nhanh chóng vào các dịch vụ hiện có sẽ giúp duy trì tốc độ đổi mới một cách thần tốc. Điều này có nghĩa trong vòng một năm kể từ đây, chúng ta sẽ có thể mong đợi sự ra mắt của nhiều công cụ phát triển hơn cả GPT-4.
- Xây dựng vị thế là điều rất quan trọng. Microsoft đang tự hào nhận về rất nhiều lời khen ngợi từ báo chí trong khi các công ty đối thủ đang tìm cách để bắt kịp bước tiến này. Google, Baidu và cả những công ty khác đều chẳng thích thú gì khi bị lép vế trong cuộc đua khẳng định vị thế, vì vậy ra sức đầu tư chính là ưu tiên hiện giờ của họ.
- Đối với các công ty khởi nghiệp, điều này rõ ràng là một tin vui. Chắc chắn dịch vụ trí tuệ nhân tạo của các tập đoàn công nghệ lớn sẽ ăn sâu vào ngóc ngách của doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên đối với các công ty khởi nghiệp có năng lực thích ứng với công nghệ mới, đây có thể xem là một cơ hội cực kì tốt để tận dụng công nghệ cải thiện sản phẩm một cách nhanh chóng, từ đó gia tăng giá trị và lợi nhuận công ty.
Cơn sốt AI gần đây là khá quen thuộc khi chúng ta đã từng chứng kiến sự tăng trưởng của công ty startup chuyên về trí tuệ nhân tạo là Scale AI đạt ngưỡng định giá 3.5 tỷ đô vào năm 2020, biến ngành công nghiệp này thành một thị trường đáng mong đợi. Điều đáng chú ý ở lần này là các sản phẩm đã trở nên hoàn thiện hơn và tiếp tục mở ra một viễn cảnh lạc quan cho công nghệ trí tuệ nhân tạo trên toàn thế giới.