Legal Tech: Bệ phóng của ngành pháp lý
Với Legal Tech, hàng nghìn tài liệu pháp lý được phân tích trong vài giây chỉ bằng một cú click. Đây không đơn thuần là xu hướng mà chính là tương lai. Vậy nhân sự ngành pháp lý sẽ đứng ở đâu trong bối cảnh này?
Từ năm 2022, các công cụ AI phổ biến đã trở thành cơn địa chấn khiến hàng loạt các lĩnh vực cùng ngành nghề bị ‘càn quét’. Thị trường ngành pháp lý vẫn đang khá bình yên nhưng có mãi an toàn giữa tâm bão?
‘Đóng góp’ của AI vào thị trường pháp lý
Trước đây, ngành pháp lý vận hành như một cỗ máy cũ kỹ khi nhân sự ngành tràn ngập trong giấy tờ, mất hàng tuần để tra cứu hồ sơ, văn bản pháp luật, còn khách hàng thì khổ sở với quy trình phức tạp gây tốn thời gian và công sức.
Giờ đây, việc có mặt của AI đã làm ngành này ngày càng ‘sôi động’. Theo Jack Newton - CEO & Founder của Clio: “Hiện nay có khoảng 79% luật sư sử dụng AI hằng ngày”. Thị trường AI toàn cầu trong lĩnh vực pháp lý trở thành một thị trường béo bở khi ước tính đạt 89,79 triệu đô la Mỹ vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt khoảng 1342,54 triệu đô la Mỹ vào năm 2034.
Thị trường AI toàn cầu trong lĩnh vực pháp lý giai đoạn 2023 - 2034. Nguồn: Precedence research
Nhờ vào sự phát triển của công nghệ trong thị trường này mà hàng loạt công cụ hỗ trợ hiện đại được ra đời:
- LexisNexis; Westlaw, Everlaw,... chỉ mất vài phút cho việc nghiên cứu pháp lý
- DocuSign, Robin AI, Contract Express,...tự động hóa quy trình soạn thảo và ký kết hợp đồng tại đa quốc gia
- Kira Systems , Luminance, LawGeex, Eve.legal,... đang trở thành một nhân sự ngành khi hỗ trợ lập chiến lược đám phán, lấy lời khai và dự đoán phán quyết cuả Tòa dựa vào dữ liệu cung cấp
- ChatGPT, Gemini, DeepSeek,... trợ lý AI không cần phải giới thiệu
Công việc hành chính cũng dần tự động hóa như cổng dịch vụ công trực tuyến, quản lý và cấp phát giấy tờ công dân, tự động hóa trong thuế & tài chính công, xử lý khiếu nại, tố cáo,... AI cũng tạo ra nhiều thay đổi lớn trong hệ thống tư pháp, đặc biệt trong việc hỗ trợ thẩm phán phân tích hồ sơ, đề xuất mức án và tối ưu hóa quy trình tố tụng. Nhiều quốc gia đã áp dụng hồ sơ điện tử, AI đánh giá bằng chứng giúp rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp.
Tái thích nghi mọi khía cạnh
Vậy những công việc liên quan đến pháp lý làm thế nào để tồn tại khi AI phân tích dữ liệu nhanh hơn, giảm sai sót và tiết kiệm chi phí vận hành?
Góc độ pháp luật
Trước đây, việc thiếu các quy định của pháp luật trở thành 'gọng kìm' khiến ngành pháp lý càng khó chuyển mình. Giờ đây, sau khi EU bắn phát súng tiên phong, công bố đạo luật về AI đầu tiên trên thế giới đã làm thay đổi công cuộc quản lý AI.
Năm 2023, theo thống kê chỉ riêng tại Mỹ, tổng số quy định liên quan đến AI đã tăng 56,3%, hàng loạt dự thảo liên quan đến AI được đề xuất. Nhiều đạo luật cùng quy định dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2026, đánh dấu một kỉ nguyên pháp lý mới.
Góc độ doanh nghiệp
Ở cấp độ doanh nghiệp, các công ty luật nói chung và các công ty đa ngành nói riêng đang dần chuyển đổi sang mô hình Legal Tech, buộc công ty phải tái cấu trúc nhân sự, giảm bớt các vị trí hỗ trợ truyền thống và tập trung vào các chuyên gia pháp lý có khả năng làm việc với công nghệ, khiến nhu cầu tuyển dụng các chuyên viên pháp lý cấp thấp giảm đáng kể.
Góc độ công việc
Hiện nay, không ít lần chúng ta nghe thấy những công việc mới được tạo ra để cùng AI làm việc. Mặc dù vào năm 2023, pháp lý không nằm trong danh sách dự báo công việc có xu hướng phát triển hay đào thải, thì chỉ sau 2 năm, nó đã có mặt trong bảng ‘tử thần’, thuộc top 15 công việc có với tốc độ đào thải nhanh nhất trong 5 năm tới.
Dự báo công việc có xu hướng phát triển hay đào thải năm 2023. Nguồn: World Economic Forum, Future of Jobs Survey 2023
Danh sách công việc có với tốc độ đào thải nhanh nhất giai đoạn 2025-2030. Nguồn: World Economic Forum, Future of Jobs Survey 2024
Góc độ kỹ năng
Nhắc tới nghề pháp lý, người ta hay nghĩ tới luật sư, tuy nhiên ngành này sâu rộng bao gồm cả các công ty luật, cơ quan tư pháp, bộ phận pháp chế doanh nghiệp và dịch vụ công,... Đa số các ngành nghề này đều sở hữu chung những kỹ năng cốt lõi, được coi là ‘cần câu cơm’ như soạn thảo những văn bản chuyên môn, tra cứu các quy định và các vấn đề liên quan, sắp xếp hồ sơ theo sự vụ, tư vấn hỗ trợ khách hàng, thực hiện các thủ tục hành chính đặc thù,...
Giờ đây, những kỹ năng này đang dần bị thay thế bằng một vài kỹ năng khác bởi sự phát triển của AI và Legal Tech.
Những kỹ năng được trọng dụng trong 5 năm tới. Nguồn: World Economic Forum, Future of Jobs Survey 2024
Vậy bạn sẽ phải làm gì và thích nghi như thế nào trong sự chuyển đổi ngành này?
Là một GenZ học luật vừa chập chững bước vào lĩnh vực công nghệ, thực sự đây là một câu hỏi khó, thậm chí tôi cũng chưa biết mình cần phải làm gì. Tuy nhiên, một số kỹ năng pháp lý cần thiết trong bối cảnh Legal Tech mà tôi hy vọng sẽ hữu ích:
- Tư duy công nghệ: Không đơn thuần chỉ là sử dụng công nghệ vào công việc mà nó phải là biết cách sử dụng, đảm bảo xử lý trơn tru các tài liệu pháp lý và bảo vệ dữ liệu nhạy cảm. Khi an ninh mạng ngày càng trở nên quan trọng, việc giữ an toàn cho thông tin của khách hàng là việc được ưu tiên hàng đầu.
- Tư duy phân tích: Khi AI xử lý nhiều tác vụ pháp lý cơ bản, con người phải tập trung vào tư duy chiến lược và phân tích sâu hơn. AI hoàn toàn có thể giúp bạn tóm tắt quy định, chỉ ra cho bạn điều khoản, nhưng bạn có tin AI sẽ hiểu rõ khía cạnh pháp lý của các quy định chồng chéo? Hệ thống tư pháp và các quy định pháp luật ngày càng trở nên phức tạp, càng đòi hỏi nhân sự có khả năng phân tích và kết nối thông tin một cách hệ thống.
- Kỹ năng giải quyết tranh chấp: Khi chi phí kiện tụng ngày càng tăng, khách hàng không chỉ tìm kiếm chiến thắng trong pháp lý mà còn mong muốn những giải pháp nhanh chóng, tiết kiệm và ít căng thẳng hơn. Dù AI có thể hỗ trợ phân tích dữ liệu pháp lý hay dự đoán kết quả vụ kiện, nhưng nó không thể thay thế kỹ năng giao tiếp và ứng xử tinh tế của con người. Trong quá trình hòa giải hay trọng tài, khách hàng thường mang theo không chỉ tranh chấp pháp lý mà còn cả cảm xúc, kỳ vọng và áp lực cá nhân. Do đó, việc nâng cao kỹ năng này sẽ mở ra nhiều lợi thế cho cả khách hàng và chính chúng ta.
Nếu bạn có góc nhìn hoặc kinh nghiệm khác, tôi rất mong được lắng nghe và học hỏi thêm.
Kết luận
Có thể thấy ngành pháp lý không biến mất nhưng đang tái cấu trúc mạnh mẽ, thị trường thay đổi sẽ tạo ra nhiều loại công việc mới. Vậy 5 năm tới, bạn muốn thấy bản thân ở đâu giữa cơn bão Legal Tech? Xin gửi đến quý độc giả một câu nói của Feargus MacDaeid - Co-Founder & Chief Strategy Officer tại Definely:
“The best technology isn't the most advanced. It's the kind that works the way people naturally want to work”.
Tạm dịch: "Công nghệ tốt nhất không phải là công nghệ tiên tiến nhất, mà là công nghệ giúp con người làm việc theo cách tự nhiên nhất".
Tham khảo
AI-powered legal practices surge: Clio’s latest Legal Trends Report reveals major shift
Asia Legal Priorities Report 2024: Key Insights on GenAI, ESG Compliance, and Legal Tech