Trung Quốc thiết lập trật tự pháp lý cho AI

Để dẫn đầu xu hướng toàn cầu về AI, Trung Quốc đang xây dựng khung pháp lý riêng nhằm chinh phục kế hoạch kiểm soát, quản lý và thúc đẩy đổi mới AI một cách bền vững.

Upload image

Trong giai đoạn 2014 - 2023, Trung Quốc đã sở hữu hơn 38.000 phát minh, chiếm 74,7% sáng chế AI trên thế giới và nhiều hơn 6 lần so với quốc gia đứng thứ hai là Mỹ.

Sự dẫn đầu của Trung Quốc về bằng sáng chế AI không chỉ giới hạn ở số lượng mà còn mở rộng sang chất lượng và tính đa dạng của các ứng dụng. Các pháp nhân nổi bật của Trung Quốc như Tencent, Ping An Insurance, Baidu và Alibaba Group nằm trong số 10 đơn vị nộp đơn xin cấp bằng sáng chế GenAI hàng đầu thế giới, thể hiện cam kết của các công ty này đối với đổi mới AI. Sự thống trị của Trung Quốc trong hồ sơ bằng sáng chế AI là minh chứng cho sự nhấn mạnh chiến lược vào đổi mới, hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và nỗ lực chủ động của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu.

Upload image

Bảng xếp hạng chủ sở hữu bằng sáng chế lĩnh vực GenAI 2014 - 2023 (Nguồn: WIPO)

Chính vì thế, để bắt kịp và dẫn đầu xu hướng toàn cầu về AI, giới học giả pháp lý đã đề xuất một dự thảo luật AI tăng quy mô phát triển lĩnh vực này lên mức tối đa. Dự thảo gồm 9 chương với 96 điều luật, áp dụng cho các hoạt động phát triển, cung cấp và sử dụng AI trong và ngoài lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nhiều nguyên tắc tập trung thể hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển AI nhanh chóng, tăng tính cạnh tranh của AI nội địa trên thị trường quốc tế và tăng cường giám sát, quản lý nhằm đảm bảo an ninh khu vực.

Trong khuôn khổ bài viết này sẽ đề cập đến một số nguyên tắc chủ chốt, nếu được áp dụng thực tế sẽ ảnh hướng lớn đến sự chuyển dịch phát triển của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.

Nhà nước đóng vai trò chủ chốt

Trung Quốc thể hiện rõ ràng vai trò và trách nhiệm của nhà nước trong công cuộc chạy đua phát triển AI cùng thế giới. Chủ thể trong các điều khoản đa số là Nhà nước hoặc chính quyền nhân dân các cấp.

Upload image

Năm 2022, nước này đã đầu tư 43,5 tỷ nhân dân tệ (6,1 tỷ đô la Mỹ) vào dự án "Dữ liệu đông, điện toán tây" với kế hoạch xây dựng 8 trung tâm điện toán trên toàn quốc. Theo đó, các trung tâm dữ liệu ở vùng nội địa phía Tây của Trung Quốc sẽ xử lý khối lượng công việc điện toán được tạo ra ở các khu vực bờ biển phía Đông - khu vực đông dân hơn của nước này.

Theo Liu Honglie, người đứng đầu Cục Dữ liệu Quốc gia Trung Quốc, khoản đầu tư trực tiếp từ chính phủ Trung Quốc cũng đã khuyến khích hơn 200 tỷ nhân dân tệ tiền bổ sung từ các chủ thể khác, bao gồm cả vốn tư nhân, tính đến cuối tháng 6 năm nay.

Việc nhà nước hỗ trợ công cuộc phát triển công nghệ không chỉ tạo nên làn sóng phát triển AI tại quốc gia này mà còn tạo ra áp lực không nhỏ với một số cường quốc công nghệ khác.

Chú trọng phát triển xanh

Trước nhịp thở xanh của thế giới, thuật ngữ “low carbon” hay “net zero” đang trở thành cuộc cạnh tranh ngầm giữa các cường quốc. Tuy nhiên, sự phát triển AI hiện nay đang kéo theo những hệ lụy về môi trường, chủ yếu là do tiêu thụ năng lượng lớn từ các trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng điện toán.

Ở Trung Quốc, nhu cầu cho các trung tâm dữ liệu và tính toán đám mây đã tăng mạnh. Điều này đặc biệt thấy rõ ở các trung tâm công nghệ tại Bắc Kinh, Thượng Hải, và Thâm Quyến, nơi các cơ sở hạ tầng lớn tiêu thụ lượng điện năng đáng kể. Vì phần lớn nguồn điện vẫn phụ thuộc vào than đá, việc mở rộng này càng làm gia tăng lượng phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí và tạo áp lực lên các nguồn nước trong khu vực.

Vì vậy trong dự thảo này, Trung Quốc đã đưa các quy định về phát triển xanh vào một khuôn khổ pháp lý AI chính thức, đặt ra một chuẩn mực mới cho việc phát triển công nghệ bền vững. Trung Quốc đã mạnh dạn khẳng định vai trò tiên phong bằng cách yêu cầu tiết kiệm năng lượng, xây dựng hạ tầng ít carbon và tối ưu hóa hiệu quả năng lượng trong phát triển AI.

Điều này cho thấy cam kết rõ ràng và đầy tham vọng của Trung Quốc trong việc đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Upload image

Mục tiêu của các quốc gia trong việc quản lý lượng carbon (Nguồn: vnsteel.vn)

Chia sẻ dữ liệu để giữ vị thế dẫn đầu

Dự luật AI của Trung Quốc khuyến khích chia sẻ dữ liệu công cộng nhằm phát triển AI. Dữ liệu là nền tảng và tài nguyên chiến lược trong công cuộc phát triển AI. Vì vậy việc công khai dữ liệu công cộng là một cách để tăng cường nguồn dữ liệu cho các dự án AI, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và tạo ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho các doanh nghiệp.

Đây cũng là một chiến lược để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của AI trong các lĩnh vực như y tế, giao thông và giáo dục, giúp quốc gia này giữ vững vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Không chỉ có chủ trương về dữ liệu công, Trung Quốc cũng đề ra những quy định liên quan đến việc bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân, nhấn mạnh không chỉ các tập đoàn lớn mà cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc các nhà phát triển cá nhân cũng có thể tiếp cận dữ liệu công cộng một cách bình đẳng để phát triển các sản phẩm AI. Điều này phản ánh chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức có cơ hội phát triển.

Upload image

Sản phẩm từ AI được công nhận

Trước tình trạng thiếu vắng khung pháp lý rõ ràng về quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm do AI tạo ra, các vụ kiện liên quan đến vi phạm bản quyền AI tại Trung Quốc ngày càng gia tăng. Những phán quyết sau phiên tòa đã tạo ra những tiền lệ quan trọng, thúc đẩy sự hình thành một hệ thống quy định chặt chẽ hơn về vấn đề tác quyền của AI.

Upload image

Trong một quyết định mang tính đột phá, vào tháng 11/2023, Tòa án Internet Bắc Kinh đã đưa ra phán quyết bất ngờ về vụ kiện liên quan đến tác phẩm hình ảnh do AI tạo ra. Cụ thể, ông Li (nguyên đơn) đã sử dụng phần mềm mã nguồn mở Stable Diffusion để tạo ra một bức ảnh bằng cách nhập các từ gợi ý, sau đó đăng bức ảnh lên nền tảng Xiaohongshu với tên gọi "Spring Breeze Brings Tenderness". Cô Liu (bị đơn), một blogger trên trang Baijiahao, đã sử dụng ảnh của nguyên đơn để tạo ra các bức ảnh tương tự bằng công cụ AI, chèn bài thơ "Tình yêu tháng ba, trong hoa đào" của chính cô vào và đăng tải nó. Ông Li đã đệ đơn kiện lên Tòa án Internet Bắc Kinh, cho rằng việc cô Liu không xin phép và cắt hình mờ chữ ký trên các bức ảnh của ông là vi phạm quyền chữ ký và quyền phổ biến mạng thông tin của ông. Ông Li yêu cầu bồi thường thiệt hại kinh tế và xin lỗi.

Cuối cùng, tòa án đưa ra phán quyết rằng, quá trình tạo ra hình ảnh phản ánh các lựa chọn thẩm mỹ và phán đoán cá nhân của nguyên đơn từ khi hình thành ý tưởng cho đến lựa chọn cuối cùng, nguyên đơn đã đầu tư công sức trí tuệ vào việc tạo ra hình ảnh. Do đó, hình ảnh được coi là nguyên bản và đại diện cho những thành tựu trí tuệ của tác giả. Ông Li đã thắng trong vụ kiện này. Điều này đã lấp đầy lỗ hổng trong việc bảo vệ luật bản quyền do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Đây chính là vụ kiện vi phạm bản quyền đầu tiên trong lĩnh vực hình ảnh do AI tạo ra và gây xôn xao trong ngành.

Ngược lại, vào tháng 2/2024, Tòa án Internet Quảng Châu tại Trung Quốc đã tuyên bố một công ty AI vi phạm luật bản quyền do cung cấp dịch vụ AI chuyển văn bản thành hình ảnh. Vụ việc xoay quanh nhân vật biểu tượng Ultraman, thuộc sở hữu của Tsuburaya Productions. Nguyên đơn cho rằng công ty AI đã sao chép hình ảnh Ultraman có bản quyền mà không được phép. Tòa án đã buộc công ty AI phải chịu trách nhiệm, yêu cầu bồi thường thiệt hại 10.000 Nhân dân tệ (gần 1.400 USD). Phán quyết mang tính bước ngoặt này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai lọc từ khóa để ngăn chặn việc AI tạo ra hình ảnh giống với các tác phẩm có bản quyền.

Tại sao lại có sự mâu thuẫn giữa hai phiên tòa này?

Cả hai tiền lệ pháp lý trên biểu thị hai góc nhìn tiêu biểu của các nhà hành pháp liên quan đến tranh chấp về tác quyền từ AI. Không giống như lập trường của Tòa án Internet Bắc Kinh, coi hình ảnh do người dùng tạo ra bằng AI là tác phẩm nghệ thuật tiềm năng, phán quyết của Tòa án Internet Quảng Châu nghiêng về việc bảo vệ chất xám của con người hơn là ưu tiên lợi ích của ngành công nghiệp AI. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về những rủi ro pháp lý có thể xảy ra cho dù có tòa án có phán quyết thế nào đi chăng nữa. Đồng thời, các công ty về AI cũng sẽ dè chừng về chiến lược phát triển đầu tư của họ.

Cũng chính vì những khác biệt trong nhìn nhận và quan điểm về vấn đề trên mà trong dự thảo luật về AI của Trung Quốc đã đề xuất nội dung do AI tạo ra có thể được bảo vệ nếu đáp ứng điều kiện của luật bản quyền hoặc luật sáng chế của nước này và một số điều kiện nghiêm ngặt liên quan khác.

Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xác định quyền sở hữu đối với các sản phẩm trí tuệ vừa có sự sáng tạo của con người vừa có sự tham gia của AI.

Có thể nói việc liên tục mở rộng và nâng cao sức cạnh tranh trong lĩnh vực AI, dự thảo luật AI của Trung Quốc được xem là một bước đi đột phá và linh hoạt giúp đất nước tỷ dân giữ vững vị trí để duy trì và tiếp tục dẫn đầu trong bối cảnh AI hóa toàn cầu. Nhìn chung, bộ dự thảo Luật về AI của Trung Quốc khá đầy đủ, chi tiết và thể hiện rõ chủ trương của Nhà nước. Lối hành luật gần gũi với các quốc gia Châu Á của bộ Luật này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc học hỏi và nghiên cứu đối với các nước trong khu vực.

Đạo luật AI của EU chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 và dự thảo luật AI của Trung Quốc mới được đề xuất là minh chứng cho xu hướng kiểm soát và phát triển AI bền vững. Thế giới đang chứng kiến sự đa dạng trong quan điểm và cách xây dựng hành lang pháp lý AI của cả phương Tây và phương Đông nhằm đối mặt với thách thức của thời đại bùng nổ AI trên toàn cầu.

Tham khảo:

Artificial Intelligence Law of the People’s Republic of China (Draft for Suggestions from Scholars)

重磅首发 |《中华人民共和国人工智能法(学者建议稿)

首例AI生成图片著作权诉讼案引发热议

Landmark Ruling: China's Court Upholds Copyright for AI-Generated Images

Emissions Targets: China Set to Beat Its 2030 Climate Goals

Atekco - Home for Authentic Technical Consultants