AI sáng tác 'Bài hát cuối cùng của The Beatles': Tương lai nào cho nền âm nhạc thế giới?
Liệu sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc có thay đổi cách chúng ta nghe nhạc trong tương lai?
Với sự bùng nổ nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều ngành công nghiệp, công nghệ này đang dần thể hiện tiềm năng phát triển trong cả lĩnh vực sáng tác nhạc.
Gần đây, Sir Paul Mc Cartney đã sử dụng trí thông minh nhân tạo để 'tách' giọng của John Lennon, cố thành viên của nhóm nhạc huyền thoại The Beatles, từ một bản demo cũ để tạo ra Bản thu âm cuối cùng của The Beatles.
Các thuật toán trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative artificial intelligence) giờ đây đã có khả năng tạo ra các giai điệu và bài hát, kết hợp cùng các công cụ tìm kiếm, nhận dạng và đề xuất do máy học (machine learning) hỗ trợ đang dần thay đổi cách chúng ta thưởng thức âm nhạc.
Điều này có ý nghĩa gì đối với các nhạc sĩ? Vô vàn những phương thức mới trong việc tiếp cận và nghe nhạc như hiện nay liệu có ảnh hưởng đến ngành công nghiệp này nói riêng và cuộc sống của chúng ta nói chung không? Hãy cùng đọc tiếp bài phân tích sau để tìm hiểu về những diễn biến mới nhất tại điểm giao thoa giữa AI và âm nhạc nhé.
Khi AI sáng tác nhạc
Máy tính đã tham gia vào việc tạo ra những giai điệu từ rất lâu. Điều khác biệt gần đây là nhờ vào sự phát triển của công nghệ học sâu (deep learning) và trí tuệ nhân tạo tạo sinh, chúng đã trở nên ngày càng giỏi trong việc sáng tác nhạc mà không cần đến sự tham gia của con người.
Authentic Artists, Bandlab và Boomy là ba trong số những nền tảng mới nhất mà người dùng có thể yêu cầu AI tạo ra một bản nhạc chỉ bằng một nút bấm. Bạn cứ liên tưởng nó giống với ChatGPT - công cụ tạo ra văn bản đã và đang gây bão trên toàn thế giới - nhưng mà dành cho âm nhạc.
Dịch vụ phát trực tuyến của Tencent Music được cho là lưu trữ hơn 1000 bài nhạc có giọng hát do AI tạo ra đã nhận được hàng triệu lượt nghe.
Chính Open AI – công ty tạo ra ChatGPT – trước đây cũng đã phát hành một công cụ AI tạo sinh dành cho lĩnh vực âm nhạc có tên Jukebox. Công cụ này có khả năng tạo ra các bài hát theo phong cách của các nghệ sĩ nổi tiếng, bao gồm Elvis Presley, Kurt Cobain và Frank Sinatra.
Âm nhạc do AI tạo ra có thể là một nguồn tài nguyên hữu ích dành cho những người cần âm thanh hoặc nhạc nền để ghép vào video và các sản phẩm sáng tạo khác. Do đó, nó hoàn toàn có thể tác động đến phân khúc các ngành sản xuất ra những thể loại nhạc này.
Một công cụ âm nhạc sử dụng công nghệ AI tên là Amper (hiện là một phần của Shutterstock) đã được xây dựng bởi một nhóm các nhạc sĩ trong ngành điện ảnh khi họ nhìn ra nhu cầu sử dụng các bản nhạc phim và nhạc nền là vô cùng lớn.
AIVA (Artificial Intelligence Virtual Artist) cũng là một ví dụ điển hình cho thấy AI sáng tác nhạc tốt đến thế nào. Âm nhạc mà AIVA tạo ra đã được sử dụng trong nhiều dự án sáng tạo, bao gồm âm nhạc phim, quảng cáo, trò chơi điện tử.
Khi nhạc sĩ bắt tay với AI
Chúng ta đã thấy được việc các thuật toán AI tạo ra giai điệu một cách dễ dàng, nhưng có một câu hỏi đặt ra là “Liệu có ai muốn nghe chúng không?” và mục đích của việc tạo ra một pop star là gì ngoài tiền bạc và danh tiếng?
Thực tế, một số nghệ sĩ đã quyết định sử dụng các công cụ AI để mang âm nhạc ảo vào thế giới thực nhằm phục vụ mục đích sáng tạo hoặc thử nghiệm.
Theo tờ Time, album nhạc pop đầu tiên được tạo ra với sự trợ giúp của AI là Hello World của Francois Pachet - một nhà soạn nhạc và giám đốc Phòng Nghiên cứu Công nghệ Sáng tạo Spotify. Vào năm 2019, Holly Herndon – một nghệ sĩ và nhà soạn nhạc người Mỹ - cũng đã sử dụng bản thu âm giọng cô được phối bằng AI để bè cho bài hát của mình.
Một ví dụ khác gần đây là bộ đôi nhạc pop The Cotton Modules với album đầu tay Shadow Planet ra mắt năm 2021. Album này có kết cấu âm nhạc được tạo ra bằng công cụ Jukebox của OpenAI kết hợp với các sáng tác của riêng họ. Các yếu tố này đã tổng hòa thành những bản nhạc độc đáo và mang màu sắc riêng biệt.
Trong quá trình sáng tác nhạc, cách bài hát được sản xuất, ghi âm, chỉnh sửa và xử lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến âm thanh của sản phẩm hoàn chỉnh. Các công cụ AI cũng đang dần nổi lên trong lĩnh vực này và một trong những công cụ phổ biến nhất là LANDR. Đây là nền tảng cung cấp khả năng phân tích các bản nhạc bạn đã tạo với sự hỗ trợ của AI để áp dụng các hiệu ứng, nâng cao chất lượng âm thanh tổng thể và hỗ trợ quá trình tạo bản thu hoàn chỉnh.
Thưởng thức và khám phá âm nhạc
Tính năng đề xuất nhạc bằng AI đã quen thuộc với chúng ta được một thời gian. Đáng chú ý nhất là những dịch vụ nghe nhạc như Spotify và danh sách phát thông minh của nó đã tích hợp công nghệ này để đề xuất các bài hát theo đúng sở thích và gu nhạc của từng người dùng.
Chúng ta cũng ngày càng quen với việc sử dụng các công cụ như Shazam hay tính năng Now Playing của Android để xác định tên bản nhạc đang phát. Những công cụ này cũng sẽ tự động thêm các bài hát tìm được vào danh sách phát của của các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến cài sẵn trên điện thoại.
AI cũng được sử dụng để cải thiện chất lượng âm thanh mà chúng ta nghe. Ví dụ, Audeze tạo ra các sản phẩm bao gồm tai nghe và micro được tích hợp hệ thống giảm tiếng ồn dựa trên công nghệ AI để mang đến âm thanh với chất lượng tốt hơn.
Bản quyền thuộc về ai? Con người, AI hay không ai cả?
Âm nhạc do AI sản sinh hoặc đồng sáng tạo cũng buộc ngành công nghiệp này và toàn xã hội phải giải quyết các vấn đề xung đột bản quyền và quyền tác giả. Liệu máy móc hay thuật toán có thể được công nhận là người nắm bản quyền cho một tác phẩm âm nhạc không? Và nếu âm nhạc được tạo ra bằng cách sử dụng AI tạo sinh thì liệu nên có sự công nhận nào dành cho những nghệ sĩ thực thụ hay không khi những tác phẩm của họ được sử dụng để huấn luyện các thuật toán AI.
Để giải quyết những vấn đề này, một nhóm chiến dịch đã được thành lập. Họ đã tạo ra một bộ hướng dẫn tuân thủ cho các nhạc sĩ, nhà sáng tạo công nghệ và cơ quan quản lý để đảm bảo quyền sáng tạo của con người không bị xâm phạm.
Chiến dịch này được gọi là Human Artistry Campaign với mục đích đề cao lợi ích của người sáng tạo khi làm việc với AI. Chiến dịch gồm có các thành viên bao gồm Hiệp hội Công nghiệp Thu âm Hoa Kỳ (the Recording Industry Association of America), cho rằng chính phủ không nên cho phép miễn trừ bản quyền hoặc IP để các nhà phát triển AI có thể tự do khai thác chất xám của những người sáng tạo mà không cần xin phép hoặc bồi thường.
Trên thực tế, Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ (US Copyright Office) đã ban hành hướng dẫn làm rõ rằng một tác phẩm nghệ thuật (bao gồm cả tác phẩm âm nhạc) sẽ không được xem là có bản quyền khi được tạo ra bằng câu lệnh của người dùng. Điều này dường như sẽ hạn chế khả năng thương mại của nguồn âm nhạc được tạo ra chỉ bằng các công nghệ AI, đơn cử như các ví dụ được nêu ra trong bài. Đồng thời, hướng dẫn này cũng cung cấp một số biện pháp bảo vệ cho những nghệ sĩ chỉ sử dụng các yếu tố AI để nâng cao khả năng sáng tạo của chính họ.
AI sẽ thay đổi nền âm nhạc mãi mãi?
Có vẻ như dù chúng ta chưa sẵn sàng thay thế hoàn toàn các nhạc sĩ bằng âm nhạc do AI tạo ra thì AI vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra âm nhạc mà con người sẽ nghe trong tương lai. Công nghệ AI có thể giúp các nhà sản xuất nhạc đẩy mạnh quá trình sáng tạo cũng như đưa ra những ý tưởng và ý niệm mới để họ thể hiện trong tác phẩm của mình. Nó cũng sẽ tiếp tục giúp người nghe dễ dàng tìm được và kết nối với nền âm nhạc hoàn toàn mới, đồng thời mang đến cho họ những trải nghiệm âm nhạc khác biệt và thú vị.
Tham khảo: Forbes