Giải mã sức hút của ChatGPT

Công cụ trí tuệ nhân tạo này có thể trả lời các câu hỏi, viết bài luận, tóm tắt văn bản và lập trình phần mềm. Nhưng thực chất nó không hề biết phân biệt đúng sai.

Upload image

Cho dù bạn không sành sỏi hay quan tâm về trí tuệ nhân tạo thì cũng không thể làm ngơ trước sức hút của ChatGPT vì đây chính là xu hướng bùng nổ trong giới công nghệ năm nay.

Được ra mắt bởi OpenAI, một ông lớn trong ngành trí tuệ nhân tạo, ChatGPT cho phép bạn đưa ra các gợi ý hay câu hỏi, sau đó nó sẽ đưa ra các phản hồi thích hợp. Về cơ bản, ChatGPT sẽ lấy lượng lớn thông tin từ Internet và ghi nhớ đoạn hội thoại với người dùng để trả lời cho các câu hỏi mà chúng ta đưa ra. Chỉ vài ngày sau khi được giới thiệu trước công chúng, ChatGPT đã thu về cột mốc hơn một triệu người trải nghiệm.

Bên cạnh những lợi ích to lớn mà ChatGPT mang lại, OpenAI cũng đồng thời cảnh bảo về các lỗ hổng tiềm tàng từ công cụ này. "Không nên dựa dẫm vào ChatGPT để hoàn thành bất cứ công việc quan trọng nào, chúng tôi vẫn cần cải thiện rất nhiều về tính ổn định và mức độ tin cậy của nó", đại diện OpenAI, CEO Sam Altman chia sẻ trên Twitter.

Chúng ta hãy cùng khám phá về ChatGPT và những khía cạnh nổi bật mà dư luận quan tâm từ khi công cụ này xuất hiện nhé.

ChatGPT là gì?

ChatGPT là một hệ thống trò chuyện tự động (chatbot) ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) do công ty OpenAI ra mắt vào tháng 11/2022 nhằm kiểm nghiệm những thành tựu mà một hệ thống AI mạnh mẽ có thể đạt được. Người dùng có thể đặt vô số câu hỏi từ nhiều lĩnh vực khác nhau cho bộ máy này và thường nhận lại những câu trả lời hữu ích.

ChatGPT đã nhanh chóng trở thành một công cụ được sử dụng rộng rãi. Nhà phân tích Lloyd Walmsley từ công ty UBS ước tính đến hết tháng 1/2023, ChatGPT đã đạt được con số 100 triệu người dùng hàng tháng. Cột mốc này thu được chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi công cụ này ra mắt, trong khi Tiktok phải mất khoảng 9 tháng và Instagram mất hai năm rưỡi mới đạt được thành tích này. Bên cạnh đó, trích dẫn nguồn tin nội bộ, tờ New York Times cũng công bố có 30 triệu người đang sử dụng ChatGPT mỗi ngày.

Ai là người tạo ra ChatGPT?

OpenAI, một công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo với 375 nhân viên, đã phát triển ChatGPT với định hướng là một hệ thống trí tuệ nhân tạo tổng hợp “an toàn và hữu dụng”.

Công ty này đã từng gây tiếng vang trước đó với GPT-3, hệ thống có thể tạo ra văn bản với văn phong tự nhiên như con người và kế tiếp là DALL-E, công cụ tạo ra hình ảnh từ văn bản gợi ý mà người dùng đưa ra.

ChatGPT hoạt động như thế nào?

ChatGPT, cùng với GPT-3 và GPT 3.5 đều là sản phẩm điển hình của mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model). Chúng được huấn luyện để tạo ra văn bản dựa trên những dữ liệu thu thập được và có thể được cập nhật tự động nhờ vào số lượng lớn các máy tính hoạt động trong hàng tuần liền.

Tuy nhiên, ChatGPT cũng không hoàn toàn được huấn luyện tự động do con người là nhân tố đánh giá các kết quả ban đầu của nó trong quá trình tinh chỉnh hệ thống. Con người cũng áp những bộ quy tắc vào hệ thống để nó tuân thủ theo khi tạo ra kết quả. Bên cạnh đó, theo tờ Time đưa tin, OpenAI đã thuê một công ty ở Kenya chi trả lên đến 3.74 đô một giờ để review hàng ngàn đoạn trích văn bản nhằm phát hiện các vấn đề như bạo lực, quấy rối tình dục và những nội dung thù địch. Dữ liệu này sau đó đã được phát triển để phát hiện những nội dung tiêu cực từ những câu trả lời của ChatGPT và cả trong bể dữ liệu huấn luyện của OpenAI.

Nút thắt trong câu chuyện này là ChatGPT không thực sự hiểu về bất cứ câu trả lời nào mà nó đưa ra. Khả năng của nó chỉ là nhận lệnh, tìm thông tin liên quan trong bể dữ liệu của nó, sau đó chuyển thông tin thành những đoạn văn trôi chảy và hợp lí. Những phản hồi mà bạn nhận được từ ChatGPT có thể trông hợp lí và đáng tin nhưng chúng cũng có thể sai hoàn toàn, đúng như OpenAI đã cảnh báo.

ChatGPT có miễn phí không?

Câu trả lời là có, ít nhất là trong giai đoạn này. Tuy nhiên vào tháng 1/2023, OpenAI đã ra mắt phiên bản trả phí với khả năng phản hồi nhanh hơn và có thể hoạt động cả trong giờ cao điểm giữa những ồn ào từ người dùng với ý kiến cho rằng ChatGPT hiện đang bị quá tải.

Bạn có thể ghi danh vào danh sách chờ nếu quan tâm. CEO của OpenAI, ông Altman ước tính chi phí sử dụng là khá “chát” với giá vài cent cho mỗi câu phản hồi (1 Cent ~ 231,47 VND).

Hạn chế của ChatGPT

Như OpenAI đã nhấn mạnh, ChatGPT có thể cung cấp cho bạn những phản hồi sai. Mike Krause, Giám đốc khoa học dữ liệu tại công ty AI Beyond Limits, cho rằng “Nếu bạn hỏi nó bằng một câu hỏi rõ ràng với ý định sẽ nhận được câu trả lời đúng thì khả năng cao bạn sẽ có phản hồi như ý. Thậm chí câu trả lời còn có vẻ như đến từ vị giáo sư Harvard nào đó. Nhưng nếu bạn hỏi nó những câu lắt léo, tréo nghoe, bạn sẽ chẳng nhận được phản hồi hợp lí đâu".

Tờ báo Science đã thẳng tay cấm cửa văn bản được tạo ra bằng ChatGPT vào tháng 1/2023. Tổng biên tập H. Holden Thorp cho biết, “Một chương trình AI thì không thể được xem là một tác giả. Việc vi phạm các chính sách này sẽ cấu thành hành vi thiếu đạo đức trong nghiên cứu khoa học, không khác gì so với thay đổi hình ảnh hay đạo văn các tác phẩm hiện có".

Trang StackOverflow cũng đã nghiêm cấm các câu trả lời của ChatGPT đối với những câu hỏi về lập trình. Nhóm admin của trang này cảnh báo, “Do tỉ lệ trung bình các câu trả lời đúng từ ChatGPT là quá thấp, việc đăng tải các câu trả lời từ ChatGPT sẽ gây ảnh hưởng xấu không chỉ cho StackOverflow mà còn bất lợi cho người dùng khi họ cần tìm câu trả lời chính xác”.

Thật sự thì việc ChatGPT có thể đưa ra câu trả lời trôi chảy đã là một bước tiến vượt bậc của ngành công nghệ. Mô hình ngôn ngữ lớn cũng đang dần hé lộ khả năng phản ứng theo cách thân thiện với con người cũng như đưa ra những phản hồi kết hợp giữa sao chép và tính sáng tạo.

ChatGPT và Google - Ai hơn ai?

Google thường phản hồi câu hỏi của người dùng với hàng tá đường link liên quan. Thông thường các câu trả lời của ChatGPT vượt xa những gì mà Google gợi ý, vì vậy ta có thể dễ dàng xem GPT-3 là đối trọng với Google.

Tuy nhiên bạn cần suy xét kỹ càng trước khi tin tưởng vào ChatGPT cũng như Google và các nguồn thông tin khác như Wikipedia. Tốt nhất là ta nên kiểm chứng độ xác thực từ các nguồn chính thống trước khi tin vào nó.

Việc xác minh các câu trả lời của ChatGPT thường tốn công sức vì nó chỉ đơn thuần đưa ra văn bản mà không kèm theo đường link hay trích dẫn nào. Bạn có thể không nhận được câu trả lời trực tiếp từ Google như khi dùng ChatGPT, tuy nhiên Google cũng đã xây dựng riêng các mô hình ngôn ngữ lớn và ứng dụng AI để tối ưu hóa công cụ tìm kiếm này.

Theo tờ New York Times, Google thường hay tán thưởng về chuyên môn AI của họ, và lần này, ChatGPT đã làm dấy lên mối lo ngại bên trong nội bộ Google, khiến cho hai nhà đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin phải “tham chiến”. Ở chiến tuyến khác, Microsoft cũng đang ra sức nghiên cứu để ứng dụng ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing - một đối thủ nặng ký của Google.

Kết

Có thể thấy, ChatGPT và các công cụ khác tương tự đều có những điểm mạnh và điểm yếu khi giúp con người tra cứu thông tin. Do đó, mặc dù không hoàn hảo nhưng ChatGPT vẫn xuất sắc mở ra con đường tươi sáng cho ngành công nghệ trong tương lai.

Theo CNET

Atekco - Home for Authentic Technical Consultants