Chuyện làm nghề công nghệ thời chuyển đổi số

Làm thế nào để phát triển bền vững nghề kỹ sư? Làm sao để cụ thể hóa triết lý ‘working software is not enough’? Làm sao để không chuyển đối số nửa mùa? Trên con đường sự nghiệp, mình đã học được những điều cốt lõi cho từng lĩnh vực culture, execution, strategy.

Upload image

Cuối năm 2022 ở Việt Nam, nguồn nhân lực kỹ sư phần mềm vẫn đang liên tục thiếu hụt trong bối cảnh ‘software eats the world’. Hầu hết các công ty đều đang tuyển dụng với vô số đãi ngộ hấp dẫn và đặc quyền cho các bạn kỹ sư nếu so với nhiều ngành khác trong xã hội. Tuy nhiên, có một bộ phận không nhỏ các công ty đang đối mặt với làn sóng nhảy việc, đổi việc và tình trạng thiếu người làm được việc.

Nhân một ngày mưa cuối tháng tám ở Sài Gòn, ngồi ngẩn ngơ về những điều mình học được trên con đường sự nghiệp, mình chia sẻ lại những suy nghĩ này, vì biết đâu sẽ có bạn cảm thấy phù hợp để tiếp tục sự nghiệp trong bối cảnh thị trường sôi động và ảo diệu.

Engineering culture is key of any team (Văn hóa kỹ sư là cốt lõi)

Chắc đã qua lâu lắm rồi cái thời mà phần mềm được phát triển dưới dạng big-bang và cần mọi thứ đúng ngay từ đầu. Ngày nay, dù vẫn còn nhiều tranh luận về acting Agile hay being Agile thì hầu như cách làm phần mềm đã trở nên tinh gọn và phù hợp với sự thay đổi nhanh của bài toán kinh doanh.

Kinh nghiệm cho thấy, một sản phẩm tốt đều được xây dựng theo thời gian chứ không chỉ đơn thuần là đi tuyển về các chuyên gia hàng đầu nữa. Nếu như cách đây 10 năm, các từ khóa như OOP, SOLID, Unit-test, Pair-programming, Hibernate… luôn xuất hiện trong các nội dung phỏng vấn thì ngày nay có DevOps, Fitness function, Microservices, Kubernetes, Mob programming… Mình từng cười lăn cười bò khi đọc tin tuyển dụng 10 năm kinh nghiệm K8s khi mà K8s chỉ mới 5 năm tuổi.

Hầu hết các kỹ sư đều được khuyên cần duy trì việc học tập để cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất và ‘staying relevant’ với nghề nghiệp. Thế nhưng, nếu môi trường không cho phép và gần như không có chỗ để ứng dụng thì rất khó để việc học này đem lại hiệu quả. Đôi khi việc này chỉ còn là phong trào mang tính hình thức, sống ảo.

‘Boring is good’ có thể đúng với một số mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, đối với một đội ngũ kỹ sư thì điều này làm suy giảm động lực cũng như khả năng quan trọng nhất của họ, đó là chuyển đổi những bài học công nghệ thực tiễn thành những giải pháp giá trị cho người dùng cuối. Không biết có tổ chức tuyển dụng nào thống kê độ tuổi trung bình của nghề lập trình tại Việt Nam không?

Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để phát triển bền vững nghề kỹ sư?

Lời giải: Xây dựng engineering culture và liên tục học tập, giải quyết những cột mốc mới về năng lực kỹ thuật cùng đội ngũ. Còn nếu bạn đang ở một môi trường độc hại và không thay đổi được thì hãy thay đổi bản thân.

Quote: ‘Maturity is not measured by age, it's an attitude built by experience’

Working software is not enough (Phần mềm chạy được vẫn chưa đủ)

Ngày xưa khi đi học lập trình, mỗi lần nộp bài thầy cô đều nhắc là nếu không compile được, không chạy được thì xem như rớt. Điều này cũng giống như tinh thần đã đi làm phần mềm thì phải có gì chạy được, dùng được cho người dùng. Tuy nhiên, ngày xưa sau khi chạy được thì thầy cô vẫn cho rớt nếu như mở code lên thấy trò làm bậy và không hiểu nguyên lý. Sau này khi đi làm thì mình thấy tinh thần ‘working software is not enough’ là vô cùng quan trọng và giúp phân biệt một coder xoàng xĩnh với một kỹ sư phần mềm.

Câu nói trên ám chỉ rất nhiều thứ:

Hãy quan tâm UI/UX của người dùng chứ không chỉ là ép họ phải học cách dùng phần mềm

Hãy quan tâm đến chất lượng của những dòng code chứ không chỉ thuần túy ‘make it work’ (làm cho nó chạy)

Hãy nghĩ đến giai đoạn vận hành, nghĩ đến khả năng scale của kiến trúc cũng như việc đo đạc cải thiện hiệu năng của hệ thống.

Ngoài ra tinh thần trên còn bao hàm cả việc cách đội ngũ cùng nhau làm việc, động lực và quyền lợi chính đáng của các kỹ sư phần mềm khi cùng nhau dành trọn thanh xuân để làm ra một sản phẩm, sau đó họ sẽ tìm cách quên nó đi hoặc luôn tự hào trong những lần phỏng vấn.

Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để cụ thể hóa triết lý ‘phần mềm chạy là chưa đủ’?

Lời giải: Cần sự ám ảnh của lãnh đạo, minh bạch, định lượng hóa các tiêu chí (DORA, SA Metrics) và không ngừng cải tiến.

Quote: ‘Measure what matter’

Value-driven & Tech@Core (Hướng giá trị và lấy công nghệ làm trọng tâm)

Công nghệ đang dần trở thành cốt lõi trong các sản phẩm, dịch vụ mới, thậm chí công nghệ còn dẫn dắt quá trình xây dựng các nền tảng kinh doanh số thì chẳng có gì xa lạ khi ngày càng có nhiều CTO trở thành CEO dẫn dắt các doanh nghiệp.

Trong cuộc cạnh tranh mới này, thế giới trở nên vô cùng phẳng, doanh nghiệp không còn cần phải đổ tiền tấn để xây dựng datacenter, không lo ngại khoảng cách địa lý cản trở việc tiếp cận tài năng mà vẫn có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ điện toán đám mây, với nguồn nhân lực toàn cầu sẵn sàng work from anywhere. Trên thực tế, các bộ chỉ số về tài chính, năng lực release thành công tính năng, sản phẩm, nền tảng là chưa đủ. Mấu chốt là làm sao để vừa phải nhanh vừa liên tục đo đạc được giá trị tạo ra cho người dùng mới là thang đo cạnh tranh trong cuộc chiến chuyển đổi số.

Upload image

Công nghệ và kinh doanh trong thời đại 4.0 (nguồn: Thoughtworks)

Các đội ngũ không còn bị động làm theo tính năng, yêu cầu đã được phân tích kỹ lưỡng mà cần được chủ động trong việc thử nghiệm các ý tưởng mới, hoạch định lộ trình của tính năng dựa trên giá trị cho người dùng cuối. Để có được năng lực này, không chỉ đòi hỏi hạ tầng và năng lực kỹ thuật ở trình độ cao mà còn cần chiến lược kinh doanh và cơ cấu tổ chức phù hợp.

Dù cho đã xác định được chiến lược kinh doanh rất rõ, các doanh nghiệp vẫn gặp phải lực cản lớn. Trong đó:

  • Hạ tầng và năng lực kỹ thuật: Legacy tồn tại quá lớn, thiếu người thuyền trưởng xây dựng platform và thiếu đội ngũ kỹ sư hoàn thiện do vốn chỉ xem IT là phục vụ duy trì vận hành.
  • Cơ cấu tổ chức: Tái cơ cấu và phân bổ quyền lực luôn là đề tài nhạy cảm. Thay đổi con người vẫn là bài toán khó nhất trong chuyển đổi số.

Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để không chuyển đối số nửa mùa?

Lời giải: Đánh giá định lượng và tìm cách đo đạc value càng sớm càng tốt.

Quote: ‘Digital Transformation is like teenage sex’

Đôi lời nhắn nhủ

Ba quan điểm mình đề cập bên trên tương ứng với ba lĩnh vực: culture, execution, strategy. Đây cũng là kim chỉ nam để mình chi phối các hoạt động khác.

Bài viết chỉ mang ý kiến cá nhân, không phản ánh và cũng không đại diện cho bất cứ một tổ chức nào.

Atekco - Home for Authentic Technical Consultants