Bộ tiêu chí DORA cho một đội ngũ kĩ sư hiệu suất cao
Làm sao để đo lường một nhóm kĩ sư năng suất cao? Chúng tôi bàn về DORA, bộ tiêu chí gồm 4 chỉ số quan trọng để đánh giá một đội ngũ kĩ sư phần mềm hoạt động hiệu quả và năng suất cao dưới góc nhìn value-driven delivery.
This post is also available in English
Một ngày mưa, chúng tôi tình cờ gặp nhau tại một quán cà phê yên tĩnh ở Sài Gòn, cả hội ngồi nói về việc xây dựng một đội ngũ kĩ sư thiện chiến, năng suất cao và làm việc hiệu quả. Cuộc nói chuyện xoay quanh vấn đề từ việc tuyển dụng các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm đến văn hóa chia sẻ và giữ chân người tài, nhưng điều chúng tôi khá tâm đắc đó là: Nên dùng bộ tiêu chí nào để đo lường một đội nhóm năng suất cao?
Khi chúng tôi bắt đầu sự nghiệp như một kĩ sư phần mềm, chúng tôi vẫn nhớ như in câu nói đùa: "Đã là kĩ sư thì chém gió cũng phải ra được vận tốc".
Quản trị với số liệu cụ thể không chỉ tăng tính khách quan, minh bạch mà còn đảm bảo kết quả không mang tính chất đối phó. Chúng tôi nhanh chóng bỏ qua các chỉ số liên quan đến tiền/chi phí vì nó vốn đã nằm trong các KPI để duy trì công ty không phá sản. Thế nên cả hội nhanh chóng đồng tình về việc sử dụng bộ tiêu chí DORA hay còn thường được biết đến với tên gọi The Four Metrics vì chúng tôi đều khá yêu thích cuốn sách Accelerate và triết lý value-driven thay vì cost-driven.
Thế DORA là gì?
DORA là tên gọi tắt của đội ngũ DevOps Research and Assessment - một chương trình nghiên cứu được Google mua lại vào năm 2018. Từ ngày thành lập, DORA nghiên cứu các phương pháp, quy trình và các năng lực cần thiết để xây dựng đội ngũ năng suất cao trong lĩnh vực phần mềm dưới góc nhìn value-driven delivery. Tổ chức này nổi tiếng với các báo cáo thường niên về DevOps Practices, góp phần định hướng chiến lược cho nhiều đội ngũ không ngừng phát triển về năng lực cũng như quy trình.
Năm 2018, cuốn sách Accelerate ra đời, giới thiệu một bộ chỉ số phù hợp cho việc đo đạc hiệu suất của các nhóm phát triển phần mềm có tên là DORA, dần dần khi được sử dụng rộng rãi thì còn có tên gọi là The Four Metrics. Accelerate là một cuốn sách hay và thú vị mà chúng tôi thường giới thiệu cho các nhà lãnh đạo công nghệ thế hệ mới ở các công ty đang theo đuổi chiến lược kinh doanh mà công nghệ trở thành một phần cốt lõi mới. Nếu bạn chưa đọc thì hãy thử tìm đọc nhé!
Bộ tiêu chí DORA "cân đo" những gì?
Bốn chỉ số quan trọng phản ánh một đội ngũ kĩ sư hoạt động hiệu quả và năng suất cao bao gồm:
- Deployment Frequency: Tần suất release thành công lên production
- Lead Time for Changes: Khoảng thời gian để một commit được release vào production
- Change Failure Rate: Tỉ lệ lỗi xảy ra đối với production release
- Time to Restore Service: Thời gian cần thiết để khắc phục lỗi trên production
Nếu đây là lần đầu bạn nghe về các chỉ số này thì có thể hiểu một cách đơn giản là chia bộ tiêu chí này thành hai phần: hai chỉ số 1-2 phản ánh về khả năng nhanh chóng ra mắt phiên bản kế tiếp, hai chỉ số 3-4 phản ánh khả năng kiểm soát chất lượng của các phiên bản này. Một trong những sự khác biệt đầu tiên đó là một đội ngũ có giám sát các chỉ số này và một đội ngũ không quan tâm. Việc có thể trực quan hóa các chỉ số này và cải thiện nó hàng ngày sẽ làm gia tăng năng lực cũng như hoàn thiện đội ngũ và sản phẩm đang vận hành.
Bộ tiêu chí này đang dần trở thành tiêu chuẩn và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều đội ngũ, bạn có thể dễ dàng "google" và tìm một mức trần tham khảo cho nhóm của mình.
Bộ tiêu chí DORA cho một tập thể hiệu suất cao
Việc quan trọng nhất là bắt tay vào đo lường và cải thiện các tiêu chí này hàng ngày vì sự phức tạp của một tổ chức, sản phẩm và con người là khác nhau ở từng công ty, dự án.
Đối với nhà lãnh đạo công nghệ, bạn sẽ phải dành nhiều công sức để xây dựng và cải thiện bộ tiêu chí này với các đội nhóm kĩ sư dù quy mô lớn hay nhỏ. Điểm quan trọng là quá trình này sẽ tạo ra cả sự gắn kết mà bất cứ một đội ngũ nào cũng cần.
Vì sao không dùng các chỉ số có liên quan đến tiền?
Dù không chối cãi tầm quan trọng của việc duy trì dòng tiền của doanh nghiệp nhưng chúng tôi tin vào value-driven culture nhiều hơn là cost-driven culture khi xây dựng đội ngũ kĩ sư. Hầu hết các bạn kĩ sư đều thích pizza và bia miễn phí, nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ cần có những thứ trên thì bạn sẽ có một nền văn hóa kĩ sư chất và hấp dẫn người tài.
Vì sao không dùng story point?
Các chỉ số thường có trong quản trị dự án thoạt nhìn có vẻ hấp dẫn về mặt quản lý nhưng khá lệ thuộc vào tính chất của dự án. Việc tập trung vào các tiêu chí này có xu hướng làm cho các nhóm phát triển ước tính thêm nhiều thời gian cần thiết hơn cho việc hiện thực hóa, thay vì thật sự quan tâm đến việc làm sao release nhanh hơn, release chất lượng hơn cho sản phẩm để tạo ra giá trị cho người dùng.
Lời kết
Chúng tôi kết thúc cuộc trò chuyện để đi uống bia và tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình.
You can’t improve what you don’t measure!
Ngay cả khi có một thang đo tốt, nhiều nhà quản lý giỏi vẫn tìm ra cách để đạt được mục tiêu dù thật sự không đem lại giá trị gì cho sản phẩm lẫn đội ngũ của họ. Sự khác biệt vốn là kết quả của một quá trình nỗ lực nghiêm túc và ý chí quyết tâm của lãnh đạo.